Làm sao để “được lòng” sếp?
Mối quan hệ giữa nhân viên với quản lý trực tiếp là điều quan trọng với sự nghiệp của bất cứ ai nhưng đồng thời cũng là nguồn gốc của rất nhiều chán nản, bức xúc.
Câu hỏi này thực sự rất khó. Cho tới bây giờ, dù đã làm việc với nhiều lãnh đạo ở các môi trường công việc khác nhau và có kha khá kinh nghiệm, mình vẫn cảm thấy chưa đủ tự tin để trả lời câu hỏi này. Đây là vấn đề rất cá nhân, khác biệt ở mỗi người, mỗi văn hóa công ty… Quan trọng hơn nữa, không phải lúc nào mình cũng “được lòng” sếp, thành thật là vậy.
Đây sẽ là một bài viết đầy tính tâm sự, chia sẻ, hoàn toàn là những kỷ niệm, trải nghiệm, và quan điểm cá nhân. Mình không thể và không nên nói hộ lòng ai, hoặc khái quát cho một môi trường, kiểu công ty hoặc nhóm nhân viên. Mình là mình thôi, và những gì mình sắp viết là những điều mình thực sự nghĩ về mối quan hệ giữa sếp với nhân viên.
Trong bài viết này, khi mình đề cập tới “sếp” - ý là quản lý trực tiếp.
1. Cần xây dựng quan hệ tốt với sếp nếu muốn làm việc lâu bền
Không tính tới khách hàng, đối tác, chỉ về những người cùng công ty, đối tượng chúng ta nhất định cần có mối “giao hảo” là quản lý trực tiếp của mình. Mình từng mắc phải sai lầm khi không coi trọng, hay đúng hơn là không đặt mối quan hệ này ở ưu tiên mức cao nhất nơi công sở. Hậu quả là dù có giao thiệp tốt với nhiều phòng ban, đồng nghiệp, mình lại không hóa giải được những băn khoăn, vướng mắc, bất đồng với sếp.
Công việc bạn được giao, kết quả thực hiện, người ghi nhận đánh giá, tất cả đều ở quản lý trực tiếp. Mỗi người mỗi tính nết, quản lý cũng có nhiều cách làm khác nhau và đôi khi chúng ta cảm thấy khó chịu, không phù hợp. Nhưng nhiệm vụ của chúng ta chính là làm sao để biến chuyển mối quan hệ này theo hướng tích cực. Nếu không thể làm vậy, sẽ rất khó để công việc trơn tru, hiệu quả, và chúng ta được đánh giá đúng với năng lực, công sức bỏ ra.
Mình từng gặp một số bạn có đánh giá về quản lý của mình là “không giỏi”, “chỉ giỏi chuyên môn, không biết quản lý”, “chỉ biết giao việc, chỉ tay năm ngón chứ không giỏi chuyên môn”, “tính nết kỳ cục”, “không công bằng”… Nói đơn giản là thấy sếp không đủ giỏi, không xứng đáng để làm quản lý của mình.
Bằng kinh nghiệm từng làm việc với hàng chục quản lý trực tiếp, từ trưởng phòng tới Tổng Giám đốc, mình có thể khẳng định rằng:
Những người làm sếp, người ở vị trí quản lý, lãnh đạo, là những người giỏi. Vì giỏi, họ mới ở vị trí cao hơn chúng ta.
Con người không ai hoàn hảo, đúng, có thể có nhiều khía cạnh họ không bằng nhân viên của mình, nhưng họ giỏi nhiều thứ khác mà chúng ta không có. Ai làm sếp đều giỏi, thật đó.
2. Cần vạch rõ giới hạn với quản lý trực tiếp của mình
Dù đây là mối liên hệ quan trọng bậc nhất nơi công sở, việc quan trọng cần làm lại là thiết lập rõ ràng ranh giới giữa nhân viên với cấp trên trực tiếp của mình. Do thường xuyên phải trao đổi với nhau, giao việc, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá… việc phân định rành mạch mối quan hệ này là việc cần thiết, quan trọng để có thể hợp tác bền vững.
Từ kinh nghiệm của mình, dù chắc chắn không đúng với tất cả, nhưng chí ít mình đã tự trải nghiệm và thấy đây là “công thức” ổn nhất, dù khi mình ở vị trí nhân viên với sếp hay khi mình làm quản lý với nhân viên của mình:
Xác định đây là vấn đề công việc, và chỉ công việc mà thôi. Đồng nghiệp, nhất là sếp với nhân viên không phải bạn thân, anh chị em, bạn bè, nói chung không phải tình cảm cá nhân. Có thể sau khi đã không còn làm việc cùng nhau nữa, nhiều người vẫn giữ được mối liên hệ thân thiết với đồng nghiệp, đó lại là chuyện khác. Khi còn làm việc cùng nhau, tình cảm cá nhân, coi nhau là bạn hoặc người nhà có thể tạo ra nhiều khó xử trong “việc công”.
Vạch rõ ranh giới, nhất là khi hai bên khác giới. Khi tiếp xúc với nhau hàng ngày, thậm chí nhiều hơn cả với gia đình, những chuyện như “cảm nắng”, tán tỉnh, thân thiết quá mức… là điều rất dễ xảy ra. Dù có là thật hay chỉ hiểu nhầm, tin đồn, ngộ nhận… đều ảnh hưởng xấu tới công việc và đời sống cá nhân. Tốt hơn hết, khi sếp hoặc nhân viên của bạn là người khác giới, hãy xác định rõ ranh giới, thân thiện hỗ trợ nhau nhưng tuyệt đối không nói hoặc làm gì có thể gây hiểu nhầm. Chỉ khi mối quan hệ công sở này rất lành mạnh, cả ở biểu hiện ra ngoài và trong suy nghĩ của mỗi người, sự hợp tác trong công việc mới được đảm bảo, hiệu quả, và thực sự bền vững.
Không ai nợ chúng ta một sự nghiệp tuyệt vời, bạn phải tự vun đắp điều đó cho mình. Mình từng đọc một số bài viết trên mạng xã hội, trong đó có ý trách móc người trưởng nhóm hoặc quản lý không kèm cặp tận tình, hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ nhân viên. Theo những ý kiến đó, người “leader” như vậy đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhưng, mặc dù việc hỗ trợ hướng dẫn đào tạo nhân viên là điều nên làm, cần làm để xây dựng đội ngũ, đó lại không phải điều bắt buộc với người lãnh đạo. Không có quy chuẩn nào cho việc này. Mức độ hỗ trợ đào tạo rất khác nhau ở mỗi công ty, mỗi phòng ban. Chưa kể, khối lượng và áp lực công việc của họ thường cao hơn nhân viên nhiều. Vì vậy, trong thực tế, hãy cảm thấy may mắn nếu bạn nhận được sự quan tâm vào đào tạo từ quản lý bởi những điều họ làm không phải hiển nhiên, cũng không nên dồn quá nhiều năng lượng để bức xúc chán nản nếu không nhận được điều đó.
3. Những điều nên làm ở công sở trong mối quan hệ nhân viên - quản lý trực tiếp
Câu hỏi ở đây là: Cụ thể, chúng ta nên làm gì trong công việc mỗi ngày để được sếp ghi nhận, đánh giá cao, mà vẫn giữ được những ranh giới tích cực, vừa phát triển được sự nghiệp của mình, lại vừa hỗ trợ được công việc cho người quản lý?
Dưới đây là một số bài học mình đã đúc kết và thấy thực sự hiệu quả, bất kể môi trường và công việc bạn làm là gì. Mình cũng đã kiểm nghiệm khi quan sát các nhân viên do mình quản lý, và đây đúng là những điểm chung ở các nhân viên làm việc hiệu quả, đồng thời khiến mình cảm thấy bị thuyết phục, đánh giá cao, và muốn trọng dụng nhất.
Tôn trọng quản lý của mình: Không phải nịnh bợ, thảo mai, mà là sự tôn trọng một cách chân thành. Nhiều người trước mặt quản lý sẽ nói rất hay, nhưng sau lưng lại nói xấu, coi thường sếp. Tất cả những điều ấy, bằng cách nào đó rồi sẽ tới tai sếp. Sự tôn trọng sâu sắc sẽ được thể hiện một cách tự nhiên trong từng câu nói, thư điện tử, bài báo cáo. Tất nhiên, trừ trường hợp người quản lý làm những việc khiến bạn cảm thấy không thể tôn trọng được bởi liên quan tới vấn đề đạo đức. Nhưng trong trường hợp đó, mình khuyên bạn hãy tìm nơi làm việc khác.
Đừng đặt người quản lý vào vị thế “bị bất ngờ”: Bạn làm điều này bằng cách luôn cập nhật thông tin cho quản lý về các việc mình đang làm, dự đoán rủi ro, vấn đề phát sinh… Diễn biến quá nhỏ có thể bỏ qua, nhưng người quản lý nên được biết các sự việc lớn. Cách tốt nhất là bạn định kỳ báo cáo cho quản lý, ví dụ mỗi tuần một lần bất kể tình hình công việc. Những thông tin nên có là: kết quả thực hiện tuần vừa qua, kế hoạch tuần tới, các vướng mắc hoặc rủi ro. Bằng cách này, khi bạn cần sự hướng dẫn, tư vấn từ sếp, hoặc cần sếp “ra mặt” với các phòng ban liên quan hoặc khách hàng, đối tác, sếp cũng đã nắm được lịch sử của dự án, các đặc điểm quan trọng. Lợi ích lớn nhất của cách này là sếp sẽ không rơi vào tình cảnh bất ngờ khi nhận được thông tin từ nguồn khác về vấn đề quan trọng mà lẽ ra sếp phải được nhận từ nội bộ trước, chính là từ bạn.
Không nói xấu sếp với bất cứ ai: Dù đó là đồng nghiệp thân thiết hoặc bạn bè của bạn, kể cả sếp là người cũ hay người mới và đã đạt được thành tựu gì hay chưa. Mình đã từng phải trả giá đắt khi phạm phải sai lầm này trước đây. Hãy tin mình, bạn đừng bao giờ nói xấu sếp dù ở bất cứ đâu và với bất cứ ai. Nếu không thể chịu được sếp, hãy trò chuyện thẳng thắn, tìm cơ hội sang phòng ban khác hoặc xin nghỉ việc. Nói xấu sau lưng không giải quyết được vấn đề gì, chỉ làm mọi thứ tệ hơn mà thôi.
Đừng hy vọng sẽ thay đổi được người khác dù đó là sếp, chỉ có thể kiểm soát được chính mình: Bạn có thể góp ý nhưng phải rất khéo léo, nếu không chắc sẽ diễn đạt như thế nào cho tốt và rõ ý thì không nên nói. Hơn nữa, mọi điều tồn tại đều có lý do của nó. Các quyết định của sếp có lý riêng, nhiều khi chúng ta không hiểu được quyết định ấy bởi không có nhiều thông tin như người quản lý. Đừng mất thời gian chỉ trích, bức xúc, thắc mắc về các quyết định của sếp, hãy chỉ tập trung vào công việc của mình. Chúng ta không thay đổi được ai cả, dù đó là bạn bè, người thân, vợ chồng, hay là sếp của mình.
Đừng cố gắng tìm hiểu về thu nhập của quản lý: Trong hầu hết các công ty, thu nhập là vấn đề nhạy cảm, thường được giữ bí mật. Bạn hãy giữ kín thu nhập của mình, ngay cả với quản lý trực tiếp bởi có thể họ cũng không biết và không cần thiết phải biết. Ngược lại, đừng cố gắng tìm hiểu thu nhập quản lý trực tiếp của mình. Bạn sẽ không thể biết chắc chắn. Nhưng nếu có một con số “đồn thổi” cũng dễ dàng tác động đến tâm lý của bạn khi thấy nó quá thấp hoặc quá cao so với tưởng tượng. Bạn có thể sẽ có xu hướng coi thường nếu biết lương sếp không cao, thậm chí thấp hơn mình; hoặc thấy bức xúc, “không phục” khi biết lương sếp cao hơn mình rất nhiều. Bạn không phải người trả lương cho sếp mà là công ty trả. Đừng so sánh kiểu “sếp làm chẳng hơn mình bao nhiêu mà lương cao gấp 3”. Chúng ta không bao giờ biết những gì người khác phải thực sự trải qua và gánh vác. Người lương cao hơn cũng không phải vì họ “cướp mất” từ chúng ta.
Tạm kết
Đôi lúc mình cảm thấy, mỗi ngày chúng ta dành nhiều thời gian với đồng nghiệp còn nhiều hơn với gia đình. Trong đó, mối quan hệ giữa nhân viên với quản lý trực tiếp là điều quan trọng với sự nghiệp của bất cứ ai, mức độ hoàn thành công việc, sự hạnh phúc vui vẻ khi đi làm, đánh giá, tưởng thưởng, thăng tiến… Nhưng đồng thời, mối quan hệ đó cũng là nguồn gốc của rất nhiều chán nản, bức xúc.
Ở đâu đó mình từng đọc (và thực tế mình cũng thấy), những quyết định nghỉ việc dù có thể gắn với bao nhiêu lý do kiểu “không phù hợp định hướng”, “cơ hội thăng tiến”… cuối cùng vẫn chỉ do hai lý do chính, đó là do sếp và thu nhập.
Hãy tôn trọng quản lý của mình một cách chân thành, họ ở vị trí cao hơn tức là họ giỏi hơn bạn ít nhất ở một số khía cạnh nào đó. Nếu muốn, hãy phấn đấu để lên được vị trí cao hơn. Nếu không, hãy làm tròn nghĩa vụ của mình ở vị trí hiện tại, thông cảm cho sếp nếu có những cảm xúc tiêu cực nhất định, và biết ơn nếu gặp được người quản lý “có tâm”.
Không ở đâu có một người sếp hoàn hảo hay một công ty hoàn hảo. Nói đúng hơn, xác suất gặp được là rất thấp. Điều chúng ta có thể làm là nâng cấp năng lực bản thân để ngày càng có thêm quyền lựa chọn, từ đó bạn sẽ có xác suất gặp được sếp và công ty phù hợp hơn với mong muốn của mình.
Cảm ơn bạn đã cùng mình chia sẻ về chủ đề thú vị nhưng cũng rất nhạy cảm, khó nói về mối quan hệ công sở này.
Thân mến,
Tố Uyên.