Người ta thường nói rằng: Hãy khắt khe với bản thân và rộng lượng với người khác.
Tôi từng tin tưởng tuyệt đối vào lời khuyên này. Vì thế, khi vấp phải thất bại hoặc bế tắc, việc đầu tiên tôi làm là quay ra chỉ trích bản thân, thất vọng với chính mình, thậm chí chối bỏ mọi nỗ lực đã bỏ ra. Thói quen này dẫn tới việc tự hạ thấp mình, dần trở nên tự ti và mất động lực bước tiếp.
Nhưng hiện tại, sau rất nhiều thất bại và cả những thành công (mà trước đây thường nhanh chóng bị bỏ qua), tôi đã hiểu ra rằng: Ngừng đổ lỗi cho bản thân sau thất bại, trân trọng mọi điều đã làm được và luôn ghi nhận mỗi dấu mốc thành tựu dù là nhỏ nhất là những điều nhất định phải làm để nuôi dưỡng một cuộc sống tích cực, tâm trí bình yên và không đánh mất động lực.
Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với bạn những bài học ấy, những điều tôi đã đúc kết được trên hành trình tìm kiếm sự bình an trong tâm trí, học cách trở nên tự tin và bao dung với bản thân.
1 - HỌC TỪ THẤT BẠI – DỪNG ĐỔ LỖI CHO BẢN THÂN
Tôi đi làm full-time từ năm cuối đại học cho tới sau khi tốt nghiệp, lập gia đình và sinh con đầu lòng. Một cách chân thật nhất, tôi phải thừa nhận rằng công việc hồi ấy tôi làm thực sự không có nhiều giá trị. Một vài file excel đơn giản, kiểm tra đối chiếu giấy tờ, lương năm triệu và không có cơ hội nào để phát triển.
Trong khi đó, các bạn tôi đều đã lần lượt có việc làm ổn định. Lớp cấp ba của tôi có 6 bạn nữ, trừ tôi, cả năm bạn còn lại đều học Ngoại thương hoặc Kinh tế và vào làm trong các ngân hàng hoặc công ty kiểm toán lớn với mức lương gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi của tôi. Trong khi tôi tìm các thông tin tuyển dụng trên mạng không thấy có nơi nào khả thi để ứng tuyển, nhất là khi tôi còn có con nhỏ mới sinh vài tháng, không thể nghĩ tới đi làm những nơi quá xa nhà.
Tôi cảm thấy mình là người thất bại. Tệ hại hơn, tôi dành nhiều ngày nhiều giờ để sỉ vả và hắt hủi bản thân mình. Tôi giận mình vì lựa chọn học ngành kỹ thuật nên mới khiến cơ hội nghề nghiệp nhỏ hẹp tới vậy so với khối ngành kinh tế có nhiều cơ hội mà TẤT CẢ các bạn nữ lớp tôi đều lựa chọn.
Tôi đổ lỗi cho chính mình hai năm trước đã quyết định lập gia đình quá sớm, khi bản thân chưa có thành tựu hay chỗ đứng vững chắc trong công việc. Tôi thậm chí thất vọng và ghét bỏ chính mình vì không biết mình muốn gì, thích gì và sẽ làm gì.
Tôi biết, tất cả đều do mình. Thực ra đến hiện tại tôi vẫn cho rằng điều này là đúng. Nhưng thay vì hiểu rằng ai cũng có điều sai, ai cũng có lần làm chưa tốt, và thất bại đó chỉ là một phần của hành trình, thì tôi lại cật lực sỉ vả hạ thấp bản thân. Chính tôi, chứ không phải ai khác, đã tự thuyết phục: Mình là một đứa bỏ đi.
Cho tới một buổi tối sau khi ru con ngủ, tôi ngồi ở góc giường ôm gối nghĩ về tương lai mờ mịt và (lại) khóc. Chồng tôi bảo: “Em nghĩ xem, thích công việc gì có thể bắt đầu, chưa biết thì học”. Tôi gào lên thổn thức: “NHƯNG MÀ EM DỐT LẮM! EM KHÔNG THỂ LÀM GÌ HẾT, CŨNG KHÔNG THÍCH VIỆC GÌ CẢ!!!”
Thật ngạc nhiên, chồng tôi cười lớn: “Em có dốt đâu??? Em cũng chưa tới 25 tuổi. Anh không thấy ai chưa tới 25 tuổi mà bế tắc tưởng như đã hết sạch cơ hội để bắt đầu như em”.
Câu nói của chồng khiến tôi tỉnh ngộ. Ừ đúng! Tôi còn rất trẻ, tôi mới chỉ tốt nghiệp chưa tới hai năm, tôi vẫn có nhiều cơ hội để bắt đầu. Đúng hơn là: Dù ở thời điểm nào, tôi cũng luôn có cơ hội để bắt đầu.
Tôi đã quá tập trung vào chỉ trích bản thân mà không nhận ra rằng, thực ra trong hai năm ngắn ngủi ấy tôi đã làm được nhiều việc: Tốt nghiệp đại học với kết quả cao, nuôi được em trai học đại học trong khi gia đình gặp nhiều khó khăn, tôi lấy chồng và đã sinh em bé.
Ở cái tuổi chỉ vừa bước chân khỏi giảng đường đại học, việc thiếu kinh nghiệm làm việc, chưa tìm được công việc đúng ngành nghề và ổn định, thu nhập chưa cao không phải điều quá bất thường. Tất nhiên có nhiều bạn làm tốt hơn tôi và đã gặt hái được những thành quả đầu tiên. Nhưng thay vì tự sỉ vả bản thân rằng đã lựa chọn sai lầm, tôi có thể rút ra nhiều bài học giá trị và tiếp tục những sự khởi đầu.
2 - THỪA NHẬN ĐIỀU MÌNH ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC, VƯỢT QUA HỘI CHỨNG “KẺ GIẢ MẠO”
Lần đầu tiên tôi biết về hội chứng này là khi đọc cuốn sách “Dấn thân – Lean in” của bà Sheryl Sandberg, COO Facebook (nay là Meta Platforms). Những người gặp hội chứng này thường xuyên tự thuyết phục bản thân rằng họ không thông minh, sáng tạo hay tài năng như những gì đã đạt được. Họ thậm chí tin rằng rất sớm thôi, người khác sẽ phát hiện ra sự kém cỏi của mình.
Thống kê cho thấy 70% dân số gặp hội chứng này ít nhất một lần trong đời, nhưng với tôi thì con số ấy lớn hơn rất nhiều. Khi đạt được bất kỳ thành tích nào, tôi cũng thường xuyên cho rằng đó là do may mắn, do nhận được sự giúp đỡ, do người khác không muốn làm chứ ai cũng có thể đạt được như tôi nếu họ muốn.
Tôi thậm chí trong rất nhiều năm đã không điền trong hồ sơ mình là thủ khoa kép đại học. Tôi cố tình giấu đi, bởi tôi nghĩ chẳng có gì đáng tự hào về điều đó. Tôi học ngành kỹ thuật với niềm tin rằng mình có điểm cao là do may mắn chứ không phải mình giỏi. Tôi nghĩ rằng (hay được nghe nói rằng) các bạn nam thông minh hơn nên nếu muốn thì hoàn toàn có thể được điểm cao hơn tôi, chẳng qua vì họ không quan tâm đến điểm số (còn tôi thì có).
Thực tế là trong chín kỳ học, chỉ có duy nhất một lần tôi đạt điểm cả kỳ cao nhất khóa, tám lần còn lại là các bạn khác, nghĩa là tôi chẳng có gì đặc biệt. Tôi thường mang sách đi hỏi các bạn. Đơn giản vì tôi nhận ra bạn giảng dễ hiểu hơn cả thầy. Vậy là rõ rồi, các bạn ấy giỏi hơn tôi. Tôi có quyền gì mà tự hào khi mình chỉ là người chăm chỉ, là người muốn được điểm cao, và hay… cầm sách đi hỏi?
Cho tới một lần đi phỏng vấn, người sau này là một trong những lãnh đạo thực thụ trong sự nghiệp của tôi đã hỏi:
Em tốt nghiệp đại học mấy phẩy?
Dạ 8.7.
Điểm cao thế? Bình thường anh thấy trường kỹ thuật mặt bằng điểm thường thấp.
Tôi ngập ngừng: “À, dạ… Vì em là thủ khoa anh ạ.”.
Tôi chờ đợi anh ấy sẽ nói kiểu: “Chắc em chăm chỉ lắm”, hay là “Điểm cao chắc lý thuyết nhiều”. Nhưng không, anh ấy chỉ cười, và giơ tay dấu “Like”.
Sau này, anh chính là người bảo tôi rằng: “Hãy hỏi thật nhiều, nhất là trong những giai đoạn em có quyền được hỏi”; “Chăm chỉ, càng làm nhiều dự án em sẽ càng không sợ bất kỳ dự án nào được giao”; “Ngành công nghệ có ít nữ, nhưng phụ nữ mà theo được thường có nhiều lợi thế”...
Hóa ra, chăm chỉ, kiên trì, và chịu khó đi hỏi cũng là điều “đáng kể”. Nhờ người lãnh đạo ấy mà tôi nhận ra, những gì tôi đã làm trong suốt gần năm năm đại học để có được kết quả thủ khoa hoàn toàn đáng tự hào, chứ không phải điều gì để tôi phải xấu hổ như thể mình đã theo đuổi một thành tích phù phiếm.
Tôi cứ nhớ mãi mình chỉ có duy nhất một trong số chín kỳ học điểm cao nhất, nhưng lại quên điều quan trọng: tám kỳ còn lại tôi chưa bao giờ ra khỏi Top 10. Tôi chăm chỉ, tôi có mục tiêu và kiên trì theo đuổi mục tiêu. Tôi không ngại tự nhận có rất nhiều điều mình không biết và sẵn sàng đi hỏi bất kỳ ai mà tôi nghĩ người đó biết câu trả lời cho những thứ tôi tìm. Rất lâu sau này tôi mới hiểu, chính những điều ấy mới là mấu chốt và thậm chí còn đáng tự hào hơn bất kỳ thành tích nào.
3 - GHI LẠI VÀ “ĂN MỪNG” NHỮNG ĐIỀU MÌNH ĐÃ LÀM ĐƯỢC, HỌC ĐƯỢC MỖI NGÀY
Rất nhiều lần đọc lại nhật ký cũ, tôi thấy lặp lại những câu đại loại như: “Mấy tháng nay mình chẳng làm được gì cả”, “dạo này mọi thứ cứ đều đều, mình đang dậm chân tại chỗ”, “dự án làm mãi vẫn không xong”…
Mỗi ngày tôi đều bận rộn. Nhưng không hiểu sao khi nhìn lại sau một khoảng thời gian, tôi thường xuyên không còn nhớ gì chi tiết, không biết rốt cuộc tại sao mà không thấy một chuyển biến nào đáng kể trong cuộc sống hay sự nghiệp? Giống như tôi đã hoàn toàn bỏ phí thời gian, không làm được gì hết vậy.
May mắn là gần đây tôi được một người thầy, cũng là người bạn của tôi chỉ cho cách đơn giản để giải quyết vấn đề này. Đó là: Dành mười phút mỗi tối để ghi lại “nhật ký thành công”. Luôn bắt đầu bằng: “Chúc mừng Uyên vì…”. Đó có thể là những sự khởi đầu, một dấu mốc, hoặc một bài học nhỏ nhưng ý nghĩa.
“Chúc mừng Uyên vì đã hoàn thành báo cáo cuối năm trước hai ngày”;
“Chúc mừng Uyên vì đã giảm được nửa cân cho mặt… đỡ to”. (Xin chú thích chỗ này: mặt to và tròn xoe đã từng là một trong những nỗi tự ti nhất của tôi);
“Chúc mừng Uyên vì hôm nay đã public lên facebook bài viết chạm tới biến cố đã thay đổi cuộc đời mình”
…
Hồi đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn để cố “nặn” ra điều gì đó tự chúc mừng mình mỗi ngày. Nhưng sau khoảng vài tuần, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Và, tôi nhận ra hàng ngày mình đều gặp được nhiều người, làm được nhiều việc, thu hái được nhiều bài học hơn tôi tưởng. Nếu không ghi chép lại, tôi sẽ không có gì làm bằng chứng cho tất cả những nỗ lực và sự trưởng thành nhỏ bé ấy.
Mỗi mảnh ghép tuy không nói lên nhiều điều, nhưng sau rất nhiều ngày, chúng sẽ tạo nên cả một bức tranh sống động về hành trình tôi đã đi qua.
THAY LỜI KẾT
Tôi nghĩ rằng, kỷ luật và nghiêm khắc với bản thân là điều cần thiết để phát triển và đạt được thành tựu. Nhưng bên cạnh đó, yêu bản thân và ngừng khắt khe với chính mình là vô cùng quan trọng để có được cuộc sống cân bằng, tâm trí bình an, và không đánh mất động lực để phấn đấu. Nhìn lại quãng đường đã qua, bạn sẽ thấy: Dù có những thất bại, dù cần rất nhiều nỗ lực để tới được đích, nhưng bạn cũng đã đi được rất xa rồi.
Oprah Winfrey, một người phụ nữ phi thường mà tôi ngưỡng mộ đã nói rằng: “The more you praise and celebrate your life, the more there is in life to celebrate”. (Tạm dịch: Bạn càng trân trọng và tôn vinh cuộc sống của mình, thì cuộc sống sẽ càng có nhiều điều để ăn mừng).
Tôi đã học cách ngừng khắt khe, phán xét, tự hạ thấp bản thân tới thừa nhận, yêu thương, và trân trọng chính mình. Mỗi khi thành công hay thất bại, thuận lợi hay bế tắc, nhiệt huyết hay chán nản, tôi vẫn thường tự nhủ rằng: “Mình đã đủ tốt rồi”.
Bạn cũng vậy, dù bạn đang ở đâu trên cuộc hành trình của riêng mình, tôi cũng mong bạn sẽ dành chút thời gian để tự ăn mừng cho những thành công bé nhỏ mỗi ngày, thừa nhận những gì bạn đã làm được và thôi gặm nhấm những nỗi đau thất bại. Bởi vì: Bạn cũng đủ tốt rồi, bạn của tôi.
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.
* Một số bài viết cùng chủ đề: