Tuần 8: Lựa chọn “khung hành động” để độc lập tài chính
Làm sao để tìm thấy cách thức phù hợp với bản thân giữa một “rừng” lời khuyên, sách vở, quan điểm, tấm gương?
Trong tài chính cá nhân có ba yếu tố: kiếm tiền, tiết kiệm, và phức tạp nhất có lẽ là đầu tư. Chỉ cần dạo qua một vòng hiệu sách hoặc lên Youtube, bạn có thể dễ dàng tìm thấy hàng loạt trường phái đầu tư, với những cái tên tiêu biểu thành công kèm theo nhiều công thức và bài học kinh nghiệm.
Câu hỏi là: Làm sao để tìm thấy cách thức phù hợp với bản thân giữa một “rừng” lời khuyên, sách vở, quan điểm, tấm gương?
Mình tin, chúng ta sẽ kiên định và dễ dàng đưa ra các lựa chọn hơn nếu xác định được cho mục tiêu của mình một “khung hành động”.
Với bản thân mình, sau rất nhiều nghiên cứu và cân nhắc, mình lựa chọn bộ khung gồm ba yếu tố:
Chi tiêu ít hơn thu nhập.
Đầu tư số tiền dư.
Tránh nợ nần.
Đó là bài học mình học được từ cuốn sách “The simple path to wealth - Con đường đi đến sự giàu có” của tác giả JL Collins. Tất nhiên, là sau khi mình đã đọc và học những cách phức tạp hơn từ nhiều cuốn sách khác 😄
Việc xác định được ba cột trụ này giúp mình đơn giản hóa quá trình “làm bạn với tiền” rất nhiều.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ về tầm quan trọng và cách chúng ta lựa chọn “khung hành động” cho riêng mình để đảm bảo kiên định đi tới đích, đặc biệt trong mục tiêu độc lập tài chính.
1. Vì sao cần lựa chọn “khung hành động”?
Câu hỏi đầu tiên là: Vì sao mình phải chọn? Sao không áp dụng nhiều cách, hoặc một cách bất kỳ nào đó?
Có lẽ điều này liên quán tới tính cách và thói quen nghề nghiệp của mình: một quản lý dự án. Để một mục tiêu trở thành sự thật, luôn có rất nhiều cách tiếp cận. Rất khó để nói cách nào tốt hơn cách nào, chỉ có thể lựa chọn cách phù hợp theo nhu cầu của chính mình, hoặc công ty mình.
Thực ra, cách nào cũng có thể đi tới đích, nhưng nếu không xác định rõ ràng phương pháp mình chọn ngay từ đầu, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái “đứng giữa dòng”, hoang mang khi đứng ở bãi cỏ này và lo lắng đã bỏ lỡ bãi cỏ xanh hơn bên kia đồi.
Có người nói đừng mắc nợ, lại có người nói nợ phân chia thành nợ tốt và nợ xấu, nợ tốt giống như “đòn bẩy” giúp chúng ta giàu nhanh hơn. Có người nói bất động sản là tài sản chắc chắn nhất, lại có người tin cổ phiếu là con đường duy nhất.
Lại nói về cổ phiếu, có người theo trường phái chỉ số, theo dõi thị trường lên xuống trong ngắn hạn; có người theo trường phái giá trị, lựa chọn các công ty họ đánh giá là tốt và giữ cổ phiếu thật lâu.
Như tiết kiệm, có người bảo tiết kiệm triệt để là nền tảng để làm giàu, lại có người nói không ai giàu được bằng cách “thắt lưng buộc bụng”, nhất định phải kinh doanh mới có thể giàu…
Không ai chắc chắn được điều nào trong số những quan điểm trên là đúng, bởi vì mỗi ý kiến đều có căn cứ riêng về cả logic và các tấm gương.
Sự đáng sợ nhất của một cuộc hành trình cá nhân là khi chúng ta không biết bám vào đâu để ra quyết định.
Do đó, tìm hiểu, phân tích bản thân, và lựa chọn một “khung hành động”, hay đôi khi còn gọi hoa mỹ hơn là “phương pháp luận” là cách để chúng ta có điểm tựa cho các quyết định.
Đi đường nào cũng có thể tới đích (hoặc đôi khi, gần tới đích). Nhưng nếu cứ liên tục lung lay giữa các trường phái, quan điểm, cơ may hoàn thành mục tiêu là vô cùng thấp. Điều này không chỉ áp dụng với tài chính cá nhân, ngay cả trong học tập, làm việc… cũng vậy.
“Khung hành động” của bạn có thể hoàn toàn khác mình, và điều đó là bình thường, khi bạn có quan điểm, niềm tin, và kỳ vọng khác. Vì bản thân mình có niềm tin với điều đơn giản, và mình không muốn dành quá nhiều thời gian để nghĩ ngợi, quan tâm, lựa chọn dù đó là tiết kiệm, kiếm tiền hay đầu tư, nên mình ưu tiên “khung hành động” dễ hiểu và đơn giản, kể cả sẽ có nhiều quan điểm trái ngược về hiệu quả của nó.
Điều quan trọng, mình biết điều gì phù hợp với mình và vì sao mình chọn nó.
2. Một “khung hành động” cần đảm bảo các yếu tố nào?
Khi học tập, làm việc, nuôi dạy con cái, và giờ là chinh phục mục tiêu độc lập tài chính, mình luôn có xu hướng tìm kiếm “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt cho mỗi mục tiêu đó. Theo kinh nghiệm của mình, để lựa chọn khung hành động, chúng ta cần ưu tiên và hãy chắc chắn về những yếu tố sau đây:
Bạn lựa chọn sau khi đã đọc, học, nghiên cứu, thực hành, và đúc kết (cả từ quá khứ và hiện tại) đủ nhiều. Đừng chọn chỉ vì bị thuyết phục bởi ai đó, và tin rằng đó là cách duy nhất trên đời hiệu quả.
Ngắn gọn, dễ nhớ, và dễ hiểu. Hãy sử dụng ngôn ngữ của chính bạn, đừng dùng các thuật ngữ của người khác mà chính bạn cũng mơ hồ về nó.
Có những tấm gương đủ tin cậy để bổ sung về tính hiệu quả của các nguyên tắc đó, một phần hoặc toàn bộ.
Từng yếu tố của khung hành động phải liên kết chặt chẽ với niềm tin cá nhân của bạn về hành trình, cách thức vận hành của cuộc sống và kinh nghiệm quá khứ của bạn.
Khả thi để thực hiện với riêng hoàn cảnh của bạn.
Dù có là nguyên tắc hay ho, khoa học, phổ biến tới đâu nhưng bạn không thực sự tin tưởng, hiểu, và bị thuyết phục, rất khó để gắn bó với nó lâu bền.
“Khung hành động” này có thể hiểu là chiến lược, là kim chỉ nam hướng chúng ta trên suốt hành trình, giúp đưa ra quyết định nhanh chóng, dứt khoát, và ít bị ảnh hưởng bởi đám đông.
Hãy học hỏi, tìm hiểu, cân nhắc, và chọn cho mình một kim chỉ nam như thế. Điều chúng ta lựa chọn có thể không giống nhau, nhưng hãy chắc chắn về niềm tin của bản thân mình. Đừng cảm tính. Bởi cảm tính không dựa trên lý trí và hoàn cảnh thực tế sẽ dẫn chúng ta tới hoang mang, lo lắng, sợ bị bỏ lỡ. Liên tục.
3. “Khung hành động” của mình để hướng tới độc lập tài chính
Keep it simple. Back to basic.
Công ty lớn đầu tiên mình làm việc cách đây hơn chục năm là một Tập đoàn thuộc nhóm đứng đầu ngành viễn thông ở Việt Nam. Ở đó minh đã học được rất nhiều, một trong số đó là tư duy đơn giản hóa các vấn đề phức tạp, hay thường dùng cụm từ tiếng Anh “keep it simple”, “back to basic” - giữ mọi thứ đơn giản, luôn quay trở lại điều căn bản nhất.
Trên hành trình học hỏi về tiền, cụ thể là để trả lời câu hỏi: Đâu là con đường để độc lập tài chính?, mình đã “va” phải vô vàn kiến thức, quan điểm, tư duy, lý thuyết, thống kê, lời khuyên… Phần lớn trong số đó quá phức tạp với mình. Thú thực, mình không hiểu. Kể cả nếu hiểu, mình cũng không biết áp dụng vào thực tế của bản thân như thế nào.
Ấy là chưa nói tới việc mình đã tốt nghiệp và có bằng Thạc sỹ Quản trị kinh doanh của một trường đại học Mỹ. Những điều trong sách vở, công thức, chỉ số… mình biết, nhưng luôn cảm thấy không phải con đường đúng để áp dụng vào tài chính cá nhân.
Đã là vấn đề cá nhân, hẳn phải có những cách thức nào đó rất đơn giản, căn bản, dễ hiểu, dễ áp dụng thay vì hàng loạt thông tin nhiễu loạn với đủ các thuật ngữ lạ lẫm.
Và “khung hành động” của mình được hợp lại bởi ba yếu tố:
Luôn chi tiêu ít hơn thu nhập.
Đầu tư số tiền dư.
Tránh nợ nần.
Yếu tố số 3, nhưng lại là điều đầu tiên mình đang thực hiện, đó là trả nợ. Từ khi học được điều này và kiên quyết lựa chọn nợ nần là điều không thể “chung sống”, mình đã dồn lực trả từng đồng. Chỉ hai năm nữa thôi, mình tin mình sẽ trả dứt nợ. Khoản nợ này thực ra không phải mới có, mà xuất phát từ khoản nợ lớn hơn, và những năm qua mình đã giải quyết được rất nhiều trong số đó.
Mình không cân nhắc giữa việc trả nợ trước, hay cứ giữ nợ nếu “đủ tốt và an toàn”, để dành tiền đầu tư nhằm kiếm tỷ suất lợi nhuận cao hơn mức lãi. Đơn giản vì “khung hành động” mình đã chọn là: Tránh nợ nần.
Yếu tố số 2, đầu tư số tiền dư. Việc này mình và chồng đã thực hiện được một phần, và sẽ tiếp tục lựa chọn các kênh phù hợp nhất sau này. Về đầu tư, có lẽ mình sẽ bàn sâu hơn trong các bài viết khác bởi đây là một chủ đề rất rộng. Mình cũng có dự định sẽ viết về nó theo góc nhìn đơn giản, ít nhất là đơn giản hơn hầu hết các bài viết mình từng đọc trên Internet, ở đó mình có cảm giác chỉ các chuyên gia mới có thể hiểu nổi về thế giới của đầu tư.
Yếu tố số 1, hiển nhiên và đơn giản, nhưng với sự thuận tiện của thẻ tín dụng và các khoản vay, cùng các kênh mua sắm ngày ngày thuyết phục chúng ta bằng quảng cáo, thật không dễ dàng để hoàn thành.
Những năm qua, mình và gia đình giữ lối sống khá đơn giản, từ ăn mặc, tới nhà cửa. Có thể điều này không phù hợp với tất cả mọi người, nhưng mình cảm thấy thoải mái khi chỉ dùng quần áo đơn giản, số lượng ít; căn hộ chung cư gần như không có đồ trang trí, chỉ có vật dụng hữu ích; nhà mình có xe ô tô, một chiếc xe cũ và đã mua từ cách đây hơn chục năm nhưng còn dùng tốt, và vợ chồng mình chưa có ý định đổi xe mới kể cả khi có đủ tiền cho nó…
Xác định bộ khung này, hiểu và thực sự thấy nó phù hợp giúp mình yên tâm bước về phía trước, dễ dàng đưa ra các quyết định và vượt qua nhiều “cám dỗ” cũng như những lời khuyên trái chiều hoặc thậm chí, là ý kiến chỉ trích.
Tạm kết.
Có rất nhiều con đường để đi tới một điểm đích. Đó là thuận lợi khi chúng ta có nhiều lựa chọn, nhưng cũng là khó khăn khiến chúng ta dễ rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng, lưỡng lự không biết phải đi hướng nào, tin ai, nghe theo ai.
Việc tìm hiểu, học hỏi, đúc kết và tìm tới tận “chân” vấn đề luôn là chìa khóa cho những băn khoăn như thế. Chỉ khi ta đủ kiên định với con đường mình chọn, đó chính là chiến lược riêng của chúng ta. Thậm chí, nó trở thành điều gì đó giống như nguyên tắc, như “đức tin” của mình vậy.
Đường nào cũng được. Nhưng hãy chắc chắn bạn đã nghiên cứu trước khi chọn, đừng dễ dàng tin ai đó, và chỉ chọn những gì mình hiểu rõ, bị thuyết phục, và có cân nhắc tới tính cách, hoàn cảnh của riêng mình.
Chúc bạn một ngày vui!
Tố Uyên.
P/s: Mời bạn khám phá các bài viết khác thuộc chuỗi bài về chủ đề Độc lập tài chính mình từng xuất bản trên blog In Metime: https://www.inmetime.com/s/doc-lap-tai-chinh