Bài viết này không nói về chủ đề nuôi dạy con cái, mà bàn về cách mỗi người lớn kỳ vọng về chính mình.
Gần đây, khi con cái lớn hơn và bắt đầu dấn thân vào một vài kỳ thi, nhiều lần mình bất đắc dĩ được kéo vào những cuộc trò chuyện, tranh luận giữa các bậc phụ huynh về việc “có nên đặt áp lực cho con?”. Ngày càng có nhiều người theo quan điểm: “không áp lực”, “cứ để con tự do”, “không kỳ vọng”… Có lẽ, những trải nghiệm không dễ chịu về thời đi học, cộng với hiểu biết nhiều hơn về tâm lý, lo sợ ảnh hưởng xấu của áp lực tới sức khỏe thể chất và tinh thần đã khiến nhiều bậc cha mẹ quay lưng lại với áp lực, hoàn toàn không đặt kỳ vọng lên con cái. Không những vậy, nhiều người cũng có quan điểm không đặt bất kỳ áp lực nào lên chính bản thân mình. Họ cảm thấy cuộc sống đã quá mệt mỏi, nên cần tận hưởng và làm những gì mình muốn.
Mình cho rằng, đây hoàn toàn là lựa chọn của mỗi người. Bởi không ai có thể hiểu tường tận về hoàn cảnh gia đình, tính cách và mục tiêu cuộc sống của bạn.
Tuy vậy, từ quan điểm cá nhân, mặc dù từng trải nghiệm những mặt trái của áp lực trong nhiều năm, mình vẫn cho rằng áp lực là điều cần thiết để mỗi người mình luyện nên phiên bản tốt hơn của chính mình.
Bài viết này nhằm giải quyết vấn đề vì sao chúng ta cần áp lực cho bản thân? Nên giữ áp lực ở mức nào là phù hợp, hiệu quả? Và, làm sao để xác định mức áp lực đó?
1 – VÌ SAO CHÚNG TA NÊN ĐÓN NHẬN ÁP LỰC, THẬM CHÍ TỰ ĐẶT RA ÁP LỰC CHO MÌNH?
Thứ nhất, về mặt tâm lý, nếu không có áp lực, chúng ta có xu hướng chọn việc dễ nhất, thoải mái nhất để làm - “Nguyên tắc ít kháng cực nhất”. Mình học được điều này từ cuốn sách “Deep Work” của tác giả Cal Newport:
Nguyên tắc ít kháng cự nhất:
“… Nếu không có phản hồi rõ ràng về tác động của những hành vi khác nhau tới mục tiêu vô cùng quan trọng, chúng ta sẽ có xu hướng nghiêng về những hành vi dễ thực hiện nhất ở thời điểm đó”.
Mỗi ngày trôi qua đem theo 24 giờ không thể quay ngược lại. Mình rất tâm đắc với lời nhận xét: Trong tiếng Anh, có phân chia theo “thì”: quá khứ - hiện tại – tương lai, phản ánh một phần quan niệm về thời gian, đó là sự tuyến tính. Thời gian đã trôi qua đã là quá khứ, không thể nào lấy lại được. Ngược lại, văn hóa phương Đông lại coi trọng sự tuần hoàn, hết ngày tới đêm, ngày này nối ngày khác, giữa tháng trăng tròn, tháng sau sẽ lặp lại... Có lẽ người phương Đông nghĩ về thời gian với sự tuần hoàn nhiều hơn, thay vì tuyến tính.
Sự khác biệt này không có vấn đề gì về mặt văn hóa. Nhưng xét trên góc độ phát triển bản thân, nếu chúng ta nghĩ về ngày tháng như sự tuần hoàn, qua rồi lại đến, trong khi không có áp lực phải đạt được mục tiêu nhất định, tại một thời điểm nào đó, thì như Nguyên tắc ít kháng cự nhất, chúng ta sẽ có xu hướng lựa chọn việc dễ dàng, an nhàn.
Áp lực là điều cần thiết giúp định hướng lựa chọn mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm của chúng ta. Khi ấy, áp lực từ công việc, cuộc sống, gia đình, bạn bè, hay chính bản thân sẽ giúp ta không sa đà vào những việc tốn thời gian, không mang lại bất cứ lợi ích nào.
Rất nhiều lần, mình nghĩ về cuộc đời mình giống như một con thuyền lênh đênh trên biển. Sóng, gió, nắng, mưa, bão, tất cả những điều ấy đều có thể đến ngoài dự liệu của mình. Điều duy nhất mình có thể kiểm soát, là cố gắng giữ cánh buồm không chệch hướng, hy vọng con thuyền sẽ cập bến như mình mong đợi.
Thừa nhận áp lực từ bên ngoài, và tự đặt ra cho mình những áp lực phù hợp, chính là cách mình kiểm soát cánh buồm của mình.
Thứ hai, áp lực giúp chúng ta trở nên sáng tạo hơn trong việc sắp xếp và sử dụng thời gian.
Một trong những câu hỏi mình hay nhận được nhất là về cách sắp xếp và sử dụng thời gian. Làm thế nào để làm được nhiều việc cùng lúc? Làm sao để vừa hoàn thành công việc chính, chăm sóc gia đình với hai con nhỏ, lại vẫn đi học và dành thời gian cho những sở thích cá nhân? Làm sao để cân bằng cuộc sống?...
Giờ đây, khi đã trải qua giai đoạn căng thẳng ấy, mình có thể viết lại những bài học, kinh nghiệm đúc kết được. Nhưng phải nói thành thật là, tại thời điểm vô cùng bận rộn lúc ấy, “liều thuốc” có tác dụng nhất khiến mình trở nên thành thạo việc “tung hứng”, tối ưu thời gian, chính là áp lực phải hoàn thành tất cả mọi việc.
Trong khi loay hoay tìm cách “chèn” thêm được điều gì đó vào giữa lịch trình vốn đã kín đặc mỗi ngày, mình bỗng nghĩ ra một cách giải quyết nào đó. Tự nhiên thấy mình… sáng tạo! Mình cứ tâm niệm, ai cũng chỉ có 24 giờ một ngày. Bởi thế, không thể đổ lỗi cho thời gian. Nhiều người rất bận rộn, và có nhiều nghĩa vụ cùng những mục tiêu căng thẳng hơn, tại sao họ làm tốt? Vậy hẳn phải có cách nào đó để mình cải thiện tình hình này.
Với mình, bất kỳ công việc hoặc nhiệm vụ nào đó cần đưa vào lịch trình, mình luôn tìm ra cách xử lý bằng việc sử dụng thành thạo các kỹ thuật sau đây:
- Đặt ưu tiên cho từng việc: Tại mỗi thời điểm, hãy chỉ tập trung vào 1 tới 3 mục tiêu quan trọng nhất. Các mục tiêu khác có thể trì hoãn, tìm người khác thực hiện thay, hoặc lựa chọn không thực hiện nếu độ ưu tiên quá thấp.
- Xác định rõ 20% công việc quan trọng nhất cho một khoảng thời gian (vài tháng, vài năm…) là gì, và mình tập trung 80% sức lực, thời gian vào mục tiêu đó.
- Không “ôm” hết mọi việc về mình, đặc biệt là với người phụ nữ, cần chia sẻ một phần trách nhiệm cho người thân, hoặc tìm người giúp việc, và giảm bớt kỳ vọng “tất cả mọi thứ đều hoàn hảo”.
Dù bận rộn tới đâu, mình cũng ưu tiên dành thời gian cho bản thân mình, ngay cả khi đó chỉ là 15-30 phút ngắn ngủi dậy sớm buổi sáng khi cả nhà đang ngủ ngon. Viết một trang nhật ký, đọc một vài trang sách, hoặc chỉ đơn thuần ngồi ở ban công với ly trà ấm… cũng đủ giúp mình lấy lại cân bằng và bình tĩnh, trước khi lao vào rất nhiều công việc, nghĩa vụ, trách nhiệm. Đó là khoảng thời gian “sạc pin” quan trọng nhất đối với mình mỗi ngày - “metime” của mình.
Thứ ba, áp lực giúp ta tiến bộ, tự tin vào bản thân.
Tự tin – đó là điều dường như tất cả mọi người đều mong muốn. Nhưng, tự tin vốn đã khó, lại dễ đánh mất. Chỉ một sai lầm, thất bại, vài lời chê bai từ người khác, có thể khiến chúng ta sống mãi trong niềm tin tiêu cực về bản thân mình.
Vậy làm sao để có được tự tin? Ở đâu đó mình nghe nói, một người nếu đứng trước gương và nói với bản thân những lời khen ngợi mỗi ngày, dần dần sẽ tin vào điều đó và cảm thấy tự tin hơn.
Mình không tin điều đó! Nếu có thể mang lại chút tự tin nào đó, thì cách thức ấy cũng gieo vào đầu ta một suy nghĩ không có nền tảng, và rất dễ bị phá hủy khi ta nhận lại những phản hồi xấu từ cuộc sống bên ngoài. Sự tự tin bền vững, cần thực chất hơn thế rất nhiều.
Muốn tự tin, phải có thành tựu. Thành tựu ở đây có thể không phải điều gì quá to tát, nhưng là kết quả của những nỗ lực bạn đã bỏ ra. Người khác có thể tán dương, cũng có thể không để tâm đến những gì bạn làm, nhưng chỉ cần bạn biết mình đã chăm chỉ, kiên trì đến thế nào để đạt được điều đó, sự tự tin trong bạn đã tăng lên rồi. Cảm giác hoàn thành một dự định, bước qua một thử thách, hào hứng khi vượt qua chính mình dẫu chỉ là dậy sớm học tiếng Anh, tập thể dục, hay đọc sách thay vì “ngủ nướng”... cũng sẽ khiến bạn cảm thấy tự tin, thấy bản thân mình hóa ra cũng… khá ổn. Và, khi có thật nhiều những niềm tự hào nho nhỏ như thế nối tiếp nhau, lâu dần sẽ tạo nên sự tự tin – điều này vốn rất quan trọng, nhưng lại mơ hồ và dường như không có công thức chung cho tất cả mọi người.
Mỗi khi bạn cảm thấy mệt mỏi, áp lực từ nhiều phía, hãy tin rằng bạn đang làm được những điều có giá trị. Và bản thân bạn có quyền tự hào, dù những người xung quanh có để ý hay không.
2- ÁP LỰC MỨC NÀO LÀ PHÙ HỢP VÀ LÀM SAO ĐỂ XÁC ĐỊNH ĐƯỢC ĐIỀU ĐÓ?
Chúng ta thường đạt tiến bộ rõ rệt nhất khi đặt mình vào thử thách vừa đủ, nghĩa là ngay phía ngoài vùng an toàn, nhưng không cách giới hạn quá xa. Nếu bạn đang cảm thấy rất thoải mái về công việc, học tập… nhiều khả năng bạn đang ở trong vùng an toàn. Ngược lại, nếu bạn đang cảm thấy quá mệt mỏi, khổ sở và bế tắc, rất có thể bạn đã lựa chọn một mục tiêu quá khó hoặc quá nhiều mục tiêu cùng lúc.
Cả hai chiều hướng trên đều không tốt cho sự phát triển cá nhân. Bởi với mục tiêu dễ, chúng ta vẫn mãi quẩn quanh trong vùng an toàn. Vùng này rất dễ chịu, nhưng dừng chân quá lâu ở đây sẽ dẫn tới sự trì trệ. Với mục tiêu quá khó, khiến ta cảm thấy chán nản, mất niềm tin vào bản thân; mặc dù bỏ nhiều công sức nhưng không nhìn thấy thành quả cũng như sự tiến bộ của mình.
Vì thế, việc lựa chọn được mục tiêu phù hợp, gắn liền với mức áp lực phù hợp là điều cần thiết để đạt được tiến bộ mà không rơi vào tình trạng quá tải hoặc nản lòng.
Dấu hiệu cho thấy bạn đã đi đúng trên con đường dấn thân, là khi thấy mình gặp những vấn đề khó hơn thường ngày, nhưng nếu tập trung, bạn hoàn toàn tiếp thu được, và sẽ có khả năng sẽ có khả năng giải quyết sau một thời gian, đó chính là mức áp lực phù hợp, điều này thúc đẩy sự sáng tạo bền bỉ tới mức chính bạn không ngờ tới.
3 - TẬN DỤNG ÁP LỰC ĐỂ TIẾN BỘ.
Vậy làm thế nào để tận dụng áp lực, nhằm giúp bản thân tiến bộ càng nhanh càng tốt? Đây là ba lời khuyên của mình:
Thứ nhất, bạn cần xác định rõ mục tiêu trước mắt của mình là gì? Càng cụ thể càng tốt. Những áp lực chung chung, mơ hồ, không kiểm tra được tiến độ sẽ khiến cuộc sống mệt mỏi, không có điểm dừng, và mất tự tin do không hình dung được hành trình mình đã đi qua. Hãy viết ra những điều bạn muốn đạt được, thời gian cần hoàn thành, những khó khăn trở ngại bạn dự đoán sẽ gặp, và những ai hoặc nguồn lực hỗ trợ nào bạn có thể huy động.
Thứ hai, kết quả quan trọng, nhưng hãy tận hưởng quá trình: Khi theo đuổi một mục tiêu, thứ bạn có được không phải chỉ là mục tiêu đó, mà quan trọng hơn là những gì bạn học được trên hành trình ấy. Bản thân bạn thời điểm bắt đầu và hoàn thành mục tiêu là hai con người khác biệt. Sự khác biệt không thể có được chỉ bằng suy nghĩ, ý định, mà phải bằng trải nghiệm qua thực tế. Và, đó là một quá trình thú vị.
Thứ ba, ai cũng cần được nghỉ ngơi, dù đang sống giữa áp lực lớn tới mức nào. Những khoảng nghỉ, đặc biệt là “nghỉ chủ động”, tức là tự sắp xếp để nghỉ ngơi, “tạm cất đi” áp lực sẽ giúp bạn hồi phục không chỉ về thế chất. Việc nghỉ ngơi này giúp tăng cường sự sáng tạo, và tạo điều kiện cho giai đoạn sau đó có nhiều bứt phá.
THAY LỜI KẾT
Không có áp lực – không có kim cương. Đó là cách chúng ta rèn luyện nên phiên bản tốt hơn của chính mình. Giữ sức khỏe, duy trì sự nỗ lực và phát triển bản thân, một ngày nào đó nhìn lại, mình tin bạn sẽ cảm thấy mình đã khác rất nhiều.
Mình vẫn thường tưởng tượng, phát triển bản thân cũng như hòn tuyết lăn, lúc đầu rất nhỏ, lăn mãi cũng thấy lớn lên không đáng kể… Nhưng kiên trì mỗi ngày, phạm vi tiếp xúc ấy ngày càng lớn, sẽ tới lúc bạn nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt.
Thành quả không tới sau một đêm, tất cả đều phải qua một quá trình đầy nỗ lực.
Có người nói với mình: “Sống đơn giản thôi cho thanh thản, không cần lúc nào cũng phải cố gắng, cố gắng đâu”. Nhưng đó chưa bao giờ là suy nghĩ của mình – một người vốn có xuất phát điểm không thuận lợi, lại từng gặp những biến cố và gánh nặng trong cuộc sống. Trong những năm tuổi trẻ, còn cố gắng được cần phải nỗ lực. Càng lớn tuổi, sức khỏe và cơ hội đều ít đi, thứ mình có sẽ không phải một cuộc sống đơn giản và thanh thản, mà sẽ thêm nhiều những nỗi lo.
Tất nhiên, việc giữ gìn sức khỏe và tận hưởng cuộc sống ở hiện tại vẫn luôn là quan trọng nhất. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta chối bỏ những thử thách, né tránh áp lực, với niềm tin rằng cứ sống vô tư, không lo nghĩ, là đang có cuộc sống an nhàn.
Mình nghĩ, bình yên là ngay trong gió bão, vẫn cảm thấy ấm áp, an yên trong tâm hồn. Vậy nên, mình mong bạn đừng sợ phải đối mặt với áp lực. Áp lực là gió bão, sẽ khiến chúng ta mạnh mẽ, trưởng thành, và tìm thấy bình yên thực sự.
Thân mến,
Tố Uyên.