Thành thật mà nói, mình chưa bao giờ nghĩ rằng mình là người đam mê khởi nghiệp. Bằng chứng là mình rất tận hưởng cảm giác “làm thuê” của mình và đã gắn bó với các công ty về viễn thông, phần mềm từ khi tốt nghiệp đạt học tới bây giờ. Nhưng không hiểu sao, mình hay bị cuốn vào những “phi vụ khởi nghiệp” mà chính mình cũng ngạc nhiên khi nghĩ lại. Chỉ tính trong vòng 10 năm gần đây, bên cạnh công việc chính, mình từng vô số lần “kinh doanh” nhỏ bán túi xách, mật ong chanh đào tự làm, cam canh nhà trồng…
Mỗi đợt “kinh doanh” kéo dài từ vài ngày tới vài tháng, có số vốn từ mấy trăm nghìn đến cả trăm triệu. Tất nhiên, có thành công, và có lần thất bại thảm hại, mình “lỗ vốn nặng”. Tuy vậy, những trải nghiệm này mang lại cho mình rất nhiều bài học thú vị, có thể áp dụng vào công việc chính và nhiều mặt khác trong cuộc sống.
Mình sẽ chia sẻ với bạn về ba lần khởi nghiệp và tất cả những gì mình học được từ đó trong bài viết này.
1 – Túi xách Zara & lần khởi nghiệp “lỗ” nặng nhất
Năm 2014, không hiểu sao mình rơi vào trạng thái yêu thích túi xách các loại vô cùng – như “nghiện túi xách” vậy. Mình tìm hiểu, nghiên cứu, đặt mua từ nước ngoài các loại túi xách của nhiều hãng, tất nhiên thương hiệu ở mức bình dân. Mình ham mê đọc các bài báo thời trang về cách phối hợp túi xách với váy áo, giày dép, cách phân biệt các chất liệu túi, xu hướng túi xách mới… “Bộ sưu tập” túi xách lúc ấy của mình ở nhà lên tới hơn chục chiếc. Đối với một người vốn không quá quan tâm tới thời trang, thường ăn mặc đơn giản, “cơn nghiện túi xách” này thật kỳ lạ, rất bất thường và đột ngột.
Trong niềm say mê túi xách mới trỗi dậy, và sau khi dành thời gian tìm hiểu về nó, mình bỗng nảy ra ý định… bán túi xách. Tự cho rằng mình đã có hiểu biết khá tốt và “có gu” – một niềm tin sai lầm mà sau này tôi sẽ nhận ra - tôi quyết định bắt đầu trở thành “cô gái bán túi Zara”. Lúc ấy, tôi rất thích thương hiệu thời trang bình dân này và thường đặt mua túi xách, quần áo qua những người trung gian vận chuyển từ nước ngoài về.
Nếu cần có một ví dụ về sự ngây thơ của một người khởi nghiệp, mang một số tiền lớn tới cả trăm triệu ra với niềm tin rằng mình sắp “giàu to”, nghĩ mình đã hiểu hết về sản phẩm trong khi thực ra chỉ biết vài thông tin trên báo, đó chính là mình với lần kinh doanh này.
Mình chọn một cách “buôn túi” mà bây giờ kể lại vẫn phải bật cười, không hiểu sao mình lại suy nghĩ đơn giản và… liều lĩnh như thế được? Bỏ cả trăm triệu, mình đặt từ nước ngoài về những chiếc túi mới nhất trên trang web của Zara, không chờ đợt khuyến mại, mình mua ngay và mua nguyên giá. Mình thậm chí không tính toán, cân nhắc về tỷ giá ngoại tệ, chi phí vận chuyển, để so sánh xem nên mua từ nước nào về có lợi hơn. Mình đặt một người trung gian chỉ bởi vì thường mua quần áo của chị ấy. “Ác liệt” hơn, mình còn dự tính thuê một cửa hàng nhỏ nào đó để làm nơi bán hàng trực tiếp. May mà ý định này không thành dù mình đã thực sự đi xem một vài nơi cho thuê, nhưng tổng chi phí sửa chữa, mua sắm tủ kệ quá cao nên mình dừng lại.
Kết quả là, sau một tháng đặt mua và chờ đợi, mình có cả trăm chiếc túi các loại, chất trong mấy chiếc thùng giấy to tướng, đặt kín cả một căn phòng trong nhà.
Rồi mình cũng chụp ảnh túi, tính toán giá cả, và đăng lên facebook cá nhân. Theo dự tính của mình, người mua sẽ hỏi han dồn dập, chốt mua mỗi ngày… Mình chỉ việc đóng gói, gửi hàng, và thu tiền, sau đó tính lãi.
Thực tế… không như là mơ!
Bạn có thể đoán ra ngay được, sự việc thực tế đã xảy ra thế nào. Mình chờ mãi, chờ mãi, chỉ có một vài đơn, trong đó có cả của người nhà mua ủng hộ. Mức giá bán sẵn của mình quá cao so với việc người mua chờ đợi đợt giảm giá sâu rồi mới đặt. Chưa kể, có nhiều chiếc túi có kích cỡ, màu sắc, chất liệu thực tế khác hẳn so với tưởng tượng khi nhìn hình ảnh trên trang web, khiến mình ngỡ ngàng khi mở thùng hàng. Chính mình còn thấy… xấu, làm sao có thể tự tin giới thiệu cho người khác?
Mình đã nhận mọi rủi ro về mình, khi đặt hàng đã không nhìn thực tế, bỏ rất nhiều tiền vốn, không hiểu về tâm lý người dùng, cũng không thực sự có “gu” thẩm mỹ để lựa chọn những mẫu túi đẹp nhất. Giá thành cao, hình ảnh không bắt mắt, không có cách marketing hiệu quả, tất cả biến mình chỉ trong một thời gian ngắn, ngỡ ngàng nhìn “giấc mơ khởi nghiệp” của mình vỡ vụn.
Cả một thời gian dài mình không có khách hàng, nhìn mấy thùng túi nằm kín một căn phòng, mình thậm chí phải xác định mất toàn bộ số tiền vì không nghĩ ra cách nào để “giải tán” số túi ấy, trong khi đợt khuyến mãi lớn dịp cuối năm ở nước ngoài đã đến, với giá giảm tới 40% - 60%. Không còn cách nào khác, mình quyết định bán giảm giá, giảm mãi, giảm mãi… Cuối cùng, mình cũng thanh lý được gần hết nhưng số tiền thu lại chỉ bằng một phần nhỏ vốn bỏ ra. Vẫn còn may mắn, đó là tiền tiết kiệm của mình chứ không phải tiền vay mượn.
Bây giờ, mỗi khi nhớ lại, mình thấy những gì mình đã làm ở lần khởi nghiệp với túi xách Zara ấy thật hài hước. Nhưng lúc đó, mình đi qua đủ những cung bậc cảm xúc. Từ hào hứng, phấn khích, hy vọng, tới ngỡ ngàng, ngơ ngác, thất vọng, tuyệt vọng, tiếc nuối, tự trách, và đau khổ…
Cho tới hôm nay, mình cũng chưa một lần quên những gì đã trải qua ở lần khởi nghiệp thất bại ấy. Và, mình cũng không còn “nghiện túi” nữa. Ngược lại, mình chỉ có một chiếc túi vải có thể dùng cho mọi trường hợp, một chiếc balo đựng máy tính để đi làm, và một túi đeo chéo nhỏ để đi chơi. Thất bại của lần khởi nghiệp, đã cắt đứt luôn một niềm đam mê “mới nổi” của mình, đồng thời khiến mình như trở lại mặt đất để thấy mình đang thiếu kinh nghiệm đến chừng nào với kinh doanh, buôn bán, và quản lý tiền bạc.
2 – Cam canh & Lần khởi nghiệp thần tốc nhất
Quê mình ở Lục Ngạn, Bắc Giang – một vùng đất vốn nổi tiếng với vải thiều. Không những thế, người dân quê mình còn trồng được rất nhiều loại cây ăn quả khác, ví dụ như cam canh – một loại quả nhỏ, ngọt, thường chín rộ vào Tết Nguyên đán.
Vào mùa cam chín, bố mẹ mình thường chọn cách bán cả vườn cho thương lái, đó cũng là cách hầu hết các hộ nông dân quê mình lựa chọn. Sau đó, thương lái sẽ phân phối đi khắp cả nước và vận chuyển sang nước ngoài. Giá người trồng bán cho thương lái, thấp hơn nhiều so với giá khi đến tay người mua, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội.
Năm 2016, khi đang trong những tháng nghỉ sinh, mình bỗng nghĩ: vì sao mình không mang cam canh của bố mẹ ra Hà Nội bán lẻ? Đăng lên facebook để bạn bè, đồng nghiệp biết tới? Cam của nhà mình rất đều quả, ngon và đẹp, mình biết rõ quá trình chăm bón để tự tin về chất lượng. Hơn nữa, vì đang được nghỉ làm nên mình sẽ có thời gian bán hàng.
Thế là mình bàn với bố mẹ, và chồng mình, tiến hành luôn để mang cam canh từ vườn nhà ra bán, thay vì bán hết cho thương lái như mọi năm. Cả nhà mình biến thành “kho cam”, trong vòng mấy tuần ngày nào cũng rộn ràng. Chú mình ở quê cắt cam giúp rồi đóng thùng gửi xe khách. Chồng mình lái xe ra bến chở cam về nhà. Bố mẹ mình cẩn thận lau sạch từng quả cam để “nhìn sáng bóng cho đẹp, người mua nhận là bóc ăn luôn không bẩn tay, không cần rửa”. Mình đăng bài bán cam, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp đặt ngay 5kg – 10kg, rồi mua hộ cả bạn bè, người thân và làm quà biếu.
Quả thật, chưa bao giờ mình thấy bố mẹ mình vui và tự hào đến thế, khi quả cam mình trồng ra đến được tận tay người mua, nhận những lời khen về cam mà ông bà chưa từng được nhận. Số tiền thu được cũng hơn rất nhiều so với bán cho thương lái.
Chỉ trong khoảng một tháng trước Tết, cả tấn cam từ vườn của bố mẹ mình đã được chuyển đến từng khách hàng ở Hà Nội. Mình ngưỡng mộ sự chỉn chu, tỉ mỉ của bố mẹ, khi nâng niu chọn lọc từng quả cam, lau sạch sẽ, rồi chia vào từng chiếc túi trong suốt trông đẹp và sang trọng hơn hẳn bình thường.
Lần này không hẳn là khởi nghiệp, bởi đó là công sức nhiều năm trồng cây chăm bón của bố mẹ mình. Nhưng chỉ trong vài tuần áp dụng cách bán hàng trực tiếp đến tận tay người dùng, đã dạy cho mình nhiều bài học về giao tiếp, chăm chút cho sản phẩm, trân trọng công sức của người nông dân, và lắng nghe phản hồi từ khách hàng.
Đây là một lần khởi nghiệp thành công, chắc chắn rồi! Cũng là lần khởi nghiệp nhanh nhất, hiệu quả nhất, và mang lại những niềm vui nhiều nhất cho người thân của mình.
3 – Mật ong chanh đào & lần khởi nghiệp “lãi” nhất
Năm 2017, bố mẹ mình chuyển từ quê ra Hà Nội để ở gần con cháu. Mẹ mình vốn rất khéo tay, làm món gì cũng ngon và cực kỳ cẩn thận. Thấy mẹ buồn vì ra Hà Nội nhàn rỗi, không có những thú vui vườn tược như ở quê, mình gợi ý mẹ làm món chanh đào mật ong rồi mình sẽ bán giúp. Vườn nhà mình ở quê khi ấy trồng nhiều loại cây, trong đó có mấy chục gốc chanh đào rất sai quả, không hề có thuốc hóa học. Mật ong từ vườn vải cũng của nhà, đường phèn mình mua nơi uy tín và nổi tiếng ở Quảng Ngãi… Mình đến tận nơi bán chai lọ để chọn từng chiếc và chở về, cồng kềnh thùng to thùng nhỏ bằng xe máy.
Mẹ mình tráng từng lọ bằng nước sôi, kỳ cọ từng quả chanh cho thật sạch, chăm chút từng chi tiết nhỏ. Những lọ mật ong chanh đào ấy, được dùng cho con mình đầu tiên trước khi bán ra. Chính vì vậy, có lẽ, đây là lần khởi nghiệp đầu tiên mình cảm thấy tự tin về chất lượng sản phẩm đến vậy, do kiểm soát được hầu hết nguyên liệu và quy trình sản xuất.
Cho tới ngày đăng lên trang thương mại điện tử, bắt đầu bán hàng, mình tràn trề niềm tin mình sẽ thành công, để mang lại thu nhập dù nhỏ cho mẹ, làm niềm vui cho sự bận rộn của bà. Đúng là mình sớm có những đơn hàng đầu tiên, nhưng… vấn đề ở đây là đóng gói và vận chuyển. Những lọ mật ong bằng thủy tinh, mặc dù bố mình đã quấn bằng vật liệu chống sốc, cuộn nhiều vòng băng dính cho chắc chắn, rồi đặt vào hộp giấy và tiếp tục dùng băng dính lớn cố định, vẫn bị vỡ, rò rỉ rất nhiều khi vận chuyển đi xa.
Mình đã bán được số lượng khá lớn, nhưng không hiệu quả do tỷ lệ vỡ, hỏng, và chuyển hoàn nhiều.
Bế tắc, mình dừng lại, không bán trên sàn thương mại điện tử nữa, nhưng cũng chưa có hướng nào để “giải quyết kho hàng”. Số vốn lần này bỏ ra rất ít, vì sản phẩm chủ yếu nằm ở công và thời gian của mẹ mình, nếu bán được, chắc chắn sẽ có lãi tốt. Mình cũng biết chất lượng từng hũ chanh đào cực kỳ chuẩn. Và hình thức của hũ hoàn toàn đáng tự hào, khi mình kỳ công thiết kế nhãn dán chuyên nghiệp, chụp ảnh đẹp…
May mà mật ong chanh đào vốn là thứ có thể để lâu được. Thậm chí, sau vài tháng, chanh ngấm hơn, chất lượng còn ngon hơn nữa. Tất cả, là để chờ đợi cho một ý tưởng nào đó sẽ bật ra, mà mình chưa biết là bao giờ và bằng cách nào nó sẽ xuất hiện.
Cùng lúc ấy, cuộc sống của mình có một hoạt động nhỏ khác, không liên quan gì tới chanh đào. Mình thường đăng bài trong một nhóm facebook nhỏ, chủ yếu là những chị em có mối quan tâm chung về nuôi dạy con cái, quản lý tài chính gia đình, phát triển bản thân. Đôi lần, mình đăng bài chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh, ôn thi chứng chỉ… trên đó và nhận được sự hưởng ứng của mọi người.
Một ngày mùa đông cuối tháng 11, mẹ mình gọi điện: “Con ơi chuẩn bị thay tủ bếp, có cách nào bán được hết chỗ mật ong chanh đào hay mang gửi ở đâu không nhỉ? Giờ xếp hết các lọ đang để ở mấy ngăn dưới tủ bếp ra ngoài thì chật nhà lắm, lại không vệ sinh”.
Tình thế cấp bách, mình ngồi ngẫm nghĩ, rồi bỗng bật ra giải pháp: Mình sẽ đăng bài bán chúng trên chính nhóm facebook toàn các chị em mà mình vẫn tham gia. Thật bất ngờ! Chỉ trong một ngày, số lượng đặt đã vượt quá mấy trăm lọ đang “tồn kho” ở nhà bố mẹ mình. Thậm chí, mình phải xin lỗi nhiều người vì không thể cung cấp thêm được dù mọi người tha thiết muốn mua bởi lúc đó trời đang rất lạnh, trẻ nhỏ ho nhiều. Trong bài viết bán hàng, mình nói luôn là chỉ nhận đơn ở Hà Nội để thuận tiện cho vận chuyển. Do đó, mình không cần bọc chống sốc hoặc dùng hộp giấy, chỉ chia các lọ vào túi và ghi địa chỉ để người giao hàng vận chuyển ngay đến tay khách hàng.
Trong vòng 2 ngày, mình hoàn thành giao xong toàn bộ mấy trăm lọ mật ong chanh đào mẹ mình làm một cách gọn gàng. Số tiền thu được không những đủ vốn, mà còn có một phần lãi khá lớn để động viên mẹ mình sau những ngày cần mẫn “sản xuất”. Sau lần đó, mẹ mình không làm thêm mật ong chanh đào vào những năm sau nữa, mặc dù vẫn có những khách hàng nhắn hỏi mình muốn mua thêm…
Lần khởi nghiệp thành công này mang lại cho mình những kinh nghiệm lớn về việc lựa chọn đối tượng chào hàng, xem xét đến quy trình đóng gói và vận chuyển, lựa chọn thời điểm bán hàng… Những điều ấy quá mới mẻ đối với mình– một người vốn chỉ quen với công việc về công nghệ, kỹ thuật.
---
Ngoài ba lần khởi nghiệp này, mình (không hiểu sao) còn có nhiều lần buôn bán khác, từ làm thiệp handmade hồi học sinh, đến bán… cà chua mang từ quê ra, bán bánh mì… Nghĩ lại, mình thấy mình cũng có nhiều trải nghiệm với việc buôn bán. Thật khó tin!
Dù sau này, tất cả những “start up” ấy mình đều không tiếp tục làm, chỉ hoàn toàn mang tính “thời vụ” – hoặc vì thất bại nên không thể tiếp tục (như lần bán túi xách), nhưng từ những lần “khởi nghiệp” đó đã mang lại cho mình những trải nghiệm vô giá, khi mình tự ép mình bước khỏi vùng an toàn. Và đây là những bài học quan trọng nhất:
(1) Không được khởi đầu với số vốn quá lớn khi chưa có trải nghiệm với số vốn và mô hình kinh doanh nhỏ; cần thăm dò thị trường, rút kinh nghiệm, rèn luyện bản thân.
(2) Xây dựng uy tín cho cá nhân và sản phẩm là rất quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất để bán được hàng.
(3) Dù bán mặt hàng gì, cần đảm bảo kiểm soát được chất lượng để tự tin khi mang tới cho khách hàng. Nếu đó là sản phẩm chính mình không muốn dùng, hoặc e ngại về chất lượng, không bao giờ được chào bán cho người khác.
(4) Mang lại giá trị vượt kỳ vọng của khách hàng sẽ luôn mang lại thêm giá trị cho chính người bán. Sự hài lòng của người mua, và niềm vui của người bán, hai điều đó luôn song hành cùng nhau.
(5) Sản phẩm tốt, nhưng tìm đúng đối tượng người mua, địa điểm, hình thức bán, và vấn đề đóng gói, vận chuyển cũng quan trọng không kém. Không phải cứ có sản phẩm chất lượng tốt là đảm bảo thành công.
Thú thực, mình cũng không biết liệu có một ngày nào đó trong tương lai, mình lại khởi nghiệp, bán mặt hàng nào đó nữa hay không, khi giờ đây bố mẹ mình không còn trồng cây, nuôi ong, mình cũng không còn đam mê với túi xách, quần áo, hay bất cứ món đồ thời trang nào khác. Nhưng, những bài học sau nhiều lần buôn bán, khởi nghiệp, luôn ở lại, và bồi đắp cho mìnhđể ứng dụng cho nhiều khía cạnh của sự nghiệp và cuộc sống sau này.
Đây là lần đầu tiên mình chia sẻ về “hành trình buôn bán” của mình với độc giả In Metime, dù chính mình cũng không biết vì sao bỗng muốn viết về những kỷ niệm này đến vậy. Có lẽ do mình e ngại rằng, một ngày nào đó sẽ quên mất, mình từng có những ngày “buôn bán nhiệt huyết” đến như thế, yêu từng sản phẩm và trân trọng mỗi khách hàng.
Chúc bạn một ngày vui!
Tố Uyên.