Học và thi, là những việc chúng ta đều trải qua trong suốt cuộc đời, từ lúc học phổ thông còn nhỏ, tới khi học đại học và cao hơn, thậm chí ngay cả đã đi làm. Bởi vậy học và thi là một phần cuộc sống, là quá trình trưởng thành, và hành trình phát triển bản thân.
Tôi không phải người luôn luôn xuất sắc trong các “chiến dịch” học tập và các kỳ thi, nhưng phần lớn trong số đó, tôi thường đạt kết quả khá tốt. Tôi là thủ khoa kép đại học, và từng chinh phục những chứng chỉ khó nhất về quản lý dự án – chuyên môn của tôi. Trong bài viết này, tôi chia sẻ với bạn ba “bí kíp” để học và thi tốt qua đã trải nghiệm, vấp váp, và những kinh nghiệm được đúc kết của tôi. Tôi hy vọng những chia sẻ này sẽ có ích cho bạn, dù bạn đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, thi hết môn đại học, hay thi chứng chỉ tiếng Anh hoặc chuyên môn của mình.
1. Cần học có lộ trình và chọn đúng “điểm rơi phong độ”
Tôi sợ trượt đại học. Đó là mục tiêu, sự ám ảnh, nỗi lo lớn nhất của tôi những năm 16 - 17 tuổi. Đi học xa nhà, tôi ở một mình trong phòng trọ, tự chăm sóc bản thân. Tôi nhớ hồi ấy là giữa năm lớp 11 – giai đoạn bắt đầu tăng tốc cho hành trình ôn thi đại học. Luôn cảm thấy bất an và không biết học thế nào là đủ, ngoài học ở trường, tôi đăng ký học thêm, hôm nào cũng thức khuya tới 12 giờ đêm để học. Được tầm hai tháng, tôi bị mất ngủ, đêm nào cũng trằn trọc, sáng dậy với đôi mắt thâm quầng, lại tiếp tục guồng quay hối hả ấy.
Một buổi chiều đang trong lớp học, tôi bỗng thấy đầu óc quay cuồng, buồn nôn, cảm giác muốn xỉu. Tôi cố lết về phòng trọ chân mềm nhũn, bước không nổi nằm vật xuống giường, mắt mờ đi. Nhấc máy gọi điện thoại cho bố mẹ xong, tôi nằm lịm đi, không nhấc nổi tay chân, chỉ còn não vẫn chạy “xèo xèo” hàng chục câu hỏi rã rời: Mình bị làm sao đây? Có phải… sắp chết không?...
Gần hai tiếng sau, bố mẹ tôi đi từ quê xuống tới nơi. Ăn bát cháo mẹ nấu, uống nước ấm, rồi tôi ngủ một giấc dài thật dài hơn mười tiếng. Hóa ra tôi bị kiệt sức, suy nhược, thiếu ngủ và thiếu dinh dưỡng. Trận ốm đó “tiêu tốn” của tôi một tuần gần như không học được gì, nhưng nó như một hồi chuông cảnh tỉnh, khiến tôi phải suy nghĩ một cách nghiêm túc để sắp xếp việc học của mình khoa học hơn. Không phải cứ thức khuya dậy sớm, học nhiều nhất có thể đã là tốt.
Mỗi cuộc thi là một cuộc đua, đua với chính mình. Chăm chỉ là đúng, quyết tâm là tốt, nhưng lựa chọn chiến lược, phân bổ sức lực để chọn được đúng “điểm rơi phong độ” vào ngày thi là điều tối quan trọng để đạt được kết quả như mong muốn. Nếu không, bạn sẽ như tôi năm ấy, “bất tỉnh nhân sự” khi còn chưa chạy được nửa đường.
2. Hãy tìm kiếm những “người khổng lồ” và đứng trên vai họ
Năm 2017, bắt tay vào ôn tập và thi chứng chỉ đầu tiên, mở đầu cho hành trình chinh phục ba chứng chỉ quốc tế cao nhất về quản lý dự án và là nữ PM (project manager) ở Việt Nam làm được điều này; đó là thời kỳ ôn tập vất vả, chật vật, hoang mang nhất trong sự nghiệp của tôi.
Xét về độ phức tạp, kiến thức của chứng chỉ này không khó bằng hai chứng chỉ còn lại. Xét về thời gian, tôi mất tổng cộng sáu tháng, trong đó có bốn tháng cuối tập trung cao độ, nhiều hơn cả chứng chỉ PfMP – chứng chỉ cao nhất tôi vừa thi đầu năm 2023. Xét về kết quả thi, dù dễ hơn, nhưng đây lại là chứng chỉ tôi có kết quả thi thấp nhất, chỉ vừa đủ đỗ, thậm chí còn “suýt trượt”.
Nguyên nhân của sự “lẹt đẹt” do tôi hoàn toàn tự mày mò, không có sự hỗ trợ, không “đứng trên vai những người khổng lồ” mặc dù tôi hết sức chăm chỉ! Điều này xảy ra một phần do khách quan. Thời điểm đó ở Việt Nam chỉ có chưa đầy 400 người có chứng chỉ PMP; tìm trên Internet thấy rất ít những bài chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu chỉ có một cuốn sách giống như giáo trình. Tôi tìm kiếm được một số bài viết bằng tiếng Anh, kèm với bốn đề luyện tập. Một phần khác, do tôi tự tin với khả năng tự học, tự nghiên cứu của mình, cộng với tâm lý tiết kiệm tiền, tôi không đăng ký bất kỳ khóa học phải trả phí nào. Điều này dẫn tới ba hậu quả nghiêm trọng:
Thứ nhất: Hồ sơ của tôi bị audit, nói đơn giản là bị người phê duyệt đặt dấu hỏi, do tôi trình bày không phù hợp với tư tưởng quản lý của tổ chức PMI – đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Thay vì nộp online và có thể đặt lịch thi ngay sau khi nhận kết quả xét duyệt của hội đồng tại Mỹ, tôi phải thu thập bản cứng các văn bản chứng minh quá trình làm việc, gửi thư đảm bảo sang Mỹ, và thấp thỏm chờ đợi phúc đáp.
Trục trặc này khiến tôi dự thi muộn hơn dự kiến, gây tâm lý tiêu cực, và tiêu tốn khoảng $120 cho việc gửi thư qua lại, một khoản tiền không nhỏ so với tôi lúc ấy; đặc biệt với người luôn có tư tưởng tiết kiệm tối đa, không muốn bỏ tiền ra cho những gì tôi tin rằng mình có thể tự làm, tự học.
Thứ hai: Hoang mang, lạc lối, không giải quyết được những khúc mắc trong quá trình học: Vì không đăng ký khóa học có trả phí, nên tôi không có thầy dạy, thiếu tài liệu học và luyện tập. Trong quá trình học, khi gặp phần kiến thức rắc rối, phức tạp, tôi thắc mắc nhưng không có ai để hỏi. Tôi tự dò tìm trong sách, lựa chọn cách giải thích mình cho là phù hợp, và điều chỉnh trong suốt quá trình ôn tập. Thực ra, đây cũng là một kỹ năng bổ ích, nhưng sẽ tốt hơn nếu có người ở trình độ cao và kiến thức sâu sắc giải đáp, giảng giải cho tôi những vấn đề đó.
Thứ ba: Tôi “suýt trượt”: Hai vấn đề trên dẫn tới hậu quả, tôi làm bài với rất nhiều câu trắc nghiệm lựa chọn đáp án “lơ mơ”. Do không chắc những gì mình hiểu có đúng không, lại không có nhiều câu hỏi để luyện tập, và không có người đánh giá mức độ sẵn sàng cho kỳ thi. Tôi thấy mình rất may mắn khi đã không trượt trong kỳ thi năm ấy, nhưng đó cũng là lần cuối cùng tôi lựa chọn cách tự học mày mò từ A đến Z như vậy.
Với hai chứng chỉ PgMP và PfMP sau này, tôi luôn lựa chọn cho mình những khóa học với người hướng dẫn uy tín, tận tâm. Điều này giúp tôi tiết kiệm nhiều thời gian cho việc tìm kiếm tài liệu, có nguồn đề luyện tập phong phú, có người giải đáp cho những thắc mắc trong quá trình học. Kinh nghiệm “tìm kiếm người khổng lồ” giúp tôi không chỉ thi đỗ những chứng chỉ khó mà còn thay đổi tư duy của mình. Sau này, khi làm bất cứ điều gì, tôi luôn tự đặt ra cho mình ba câu hỏi:
Ai là chuyên gia về lĩnh vực này có thể cho mình lời khuyên?
Có sản phẩm (miễn phí hoặc trả phí) nào cung cấp sự hỗ trợ cho mình?
Mình có nhất thiết phải tự làm tất cả không, hay có thể mua giải pháp, sản phẩm, thời gian của người khác để hoàn thành?
Bằng cách trả lời những câu hỏi trên, tôi tìm thấy những “người khổng lồ” để mình có thể đứng trên vai, rút ngắn thời gian, công sức, và tăng tỷ lệ thành công cho việc cần thực hiện. Bạn thử nhé, rất có thể những “người khổng lồ” cũng đang ở rất gần bạn!
3. “Study hard” hay “study smart”? Tôi chọn cả hai
Tôi hay nghe câu nói: “Hãy làm việc thông minh, đừng làm việc chăm chỉ”. Cá nhân tôi không cho là đúng. Đôi khi trong các cuộc phỏng vấn khi được hỏi: “Điểm mạnh nhất của bạn là gì?”. Tôi thường không ngần ngại trả lời: “Tôi rất chăm chỉ”. Tôi luôn tin rằng, sự kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ là điều kiện cần cho mọi thành tựu. Ít nhất là điều này đúng với tôi. Bởi tôi không tin vào sự thay đổi sau một đêm. Thậm chí, may mắn cũng là một loại năng lực. Để những hạt may mắn có thể nảy mầm, chẳng phải tôi vẫn cần bỏ rất nhiều công sức cày xới, tưới nước, chiếu sáng…tạo môi trường thuận lợi cho chúng bật lên những chiếc lá xanh đó sao?
Cách đây vài năm, tôi bắt đầu làm việc nhiều với các đối tác, khách hàng ở Mỹ và châu Âu. Tôi nhớ có một lần, khi ngồi trong phòng họp, khách hàng hỏi: “How are you doing?”, tôi ngơ ngác. Anh ngồi cạnh tôi nhắc nhẹ: “Ông ấy hỏi em có khỏe không kìa?”. Tôi ngượng chín người, bởi đó là một câu quá cơ bản, vậy mà tôi không thể nghe ra.
Nỗi xấu hổ hôm ấy, cộng với những khó khăn về ngôn ngữ trong quá trình theo học chương trình Thạc sỹ MBA của Đại học Hawaii, hoàn toàn bằng tiếng Anh, khiến tôi quyết tâm cải thiện khả năng nghe nói của mình. Tôi đăng ký học giao tiếp online 1:1 với cô giáo người Mỹ, 30 phút/ngày trong suốt một năm. Để không ảnh hưởng tới công việc và gia đình, tôi chọn khung giờ 5 rưỡi tới 6 giờ sáng.
Mùa đông rét buốt, sáng sớm phải rời chăn ấm, mắt nhắm mắt mở ngồi vào bàn bật máy tính lên, tôi lại tự hỏi: “Sao mình phải khổ thế này? Có đáng không? Có cách nào dễ hơn không?”. Nhưng trong thâm tâm, tôi luôn hiểu đó là cách duy nhất để tiến bộ. Bởi không có thành công nào đến bất ngờ, không có sự thay đổi giá trị nào xảy ra sau một đêm, và không thể có một phiên bản tốt hơn của bản thân đến từ sự lười biếng.
Tuy vậy, thế giới phát triển không ngừng, với công nghệ, Internet, sự kết nối ở khắp mọi nơi. Luôn có cách nào đó tốt hơn, thông minh hơn, đơn giản hơn cho những gì chúng ta đang làm hàng ngày. Những cách làm thông minh ấy không thay thế được sự chăm chỉ, nhưng sẽ là phương tiện giúp “tăng tốc”, để chúng ta nhanh chóng đạt được mục tiêu hơn.
Trở lại với việc học tiếng Anh, ban đầu để luyện nghe, tôi đi theo cách “cổ điển”: xem bản tin ngắn của BBC, ghi chép, và nghe lại. Những chủ đề trên kênh BBC thường khô khan và không phải những điều tôi hứng thú; hơn nữa, giọng đọc không phong phú, trong khi hàng ngày tôi làm việc với những người nói tiếng Anh đến từ nhiều nước trên thế giới với âm sắc rất khác nhau. Bởi vậy, tôi nản chí, luôn thấy nặng nề mỗi khi phải ngồi vào bàn học. Mặt khác, việc dành một giờ đồng hồ luyện nghe là quá khó khăn với một người bận rộn cho công việc, gia đình, con cái như tôi.
Rồi một ngày, tôi tình cờ biết đến kênh podcast Optimal Living - một kênh podcast đọc lại các bài viết truyền cảm hứng từ nhiều trang blog ở phiên bản thu gọn, dài khoảng 5 tới 10 phút mỗi tập. Từ đó, hàng ngày trên xe bus đi làm hơn một tiếng trở thành quãng thời gian luyện nghe tiếng Anh hiệu quả nhất tôi từng có. Từ đây, tôi tìm thấy vô số những podcast khác rất thú vị, giọng đọc hay, nội dung được cập nhật hàng ngày và liên quan rất nhiều đến những mối quan tâm trong cuộc sống của tôi.
Nếu không mở lòng với những điều mới, tìm kiếm cách làm thông minh và phù hợp với bản thân, hẳn giờ này tôi vẫn đang lầm lũi hàng ngày ngồi vào bàn, cặm cụi chép từng chữ tiếng Anh trong bản tin BBC về nông nghiệp ở châu Phi – điều này vốn không thu hút tôi chút nào.
Tôi gợi ý bạn ba cách dưới đây tôi thường áp dụng để tìm được những cách làm “thông minh” hơn?
Thứ nhất: Theo dõi các bài viết chất lượng từ các blogger bạn tin tưởng: Tôi từng học được rất nhiều cách thức, công cụ, nguồn tài nguyên bổ ích từ nguồn này. Ngoài ra, khi muốn tìm kiếm vấn đề gì đó, bạn có thể search trên google cụm từ cần tìm, kèm chữ “blog” ở cuối để được chỉ hướng đến những trang viết có liên quan, thường chất lượng hơn các bài báo ngắn đơn thuần.
Thứ hai: Đọc sách. Lựa chọn sách một cách thông minh sẽ dẫn bạn đến những gợi ý thông minh. Bạn có thể đọc review sách trên các blog chất lượng, đọc review trên trang Goodreads, hoặc search theo cú pháp: “Những cuốn sách hay nhất về…”.
Thứ ba: Đừng ngại ngần đặt câu hỏi: Hãy hỏi bất kỳ ai bạn nghĩ có thể biết thông tin về điều bạn đang cần, có thể là bạn bè cùng lĩnh vực, cộng đồng chuyên gia bạn biết, hoặc ai đó bạn thấy đang làm việc đó tốt hơn mình. Theo kinh nghiệm của tôi, đa số mọi người đều rất sẵn lòng chia sẻ. Việc chúng ta cần làm là đặt câu hỏi, nói theo ngôn ngữ hơi “tâm linh” chút là: gửi tín hiệu vào vũ trụ. Nếu lên tiếng, sẽ có ai đó nói cho bạn biết. Ngược lại, xác suất bằng 0.
Tôi tin rằng, học tập là việc chúng ta làm suốt cuộc đời. Những gì có được từ việc học và thi không chỉ là kiến thức và bằng cấp; mà trải nghiệm, va vấp, những lần lựa chọn sai và sửa sai cũng mang lại giá trị lớn, thậm chí trở thành bài học đáng giá. Tôi hy vọng, bài viết này đã mang lại thêm một góc nhìn về một “công việc” đặc biệt hầu hết mọi người đều đã từng hoặc đang trải qua: học hành và thi cử.
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.
* Một số bài viết cùng chủ đề: