Học ngoại ngữ mới ở tuổi 35?
Chừng nào vẫn có thể cập nhật không sót “trending” nào trên Internet, những tin nóng hổi, những “drama” bất tận, chừng đó chúng ta vẫn đang có thời gian rảnh để biến nó thành thời gian học.
Mình bắt đầu học tiếng Trung được 2 tháng. Cũng chưa đâu vào đâu, thành thực là như vậy. Mình còn phải đi một quãng đường rất dài, với nhiều tâm sức, thời gian và nỗ lực trong giai đoạn tới mới có thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Nhưng quả thực, học ngoại ngữ luôn là một hành trình thú vị, ẩn chưa rất nhiều bài học, trải nghiệm không gì có thể sánh được.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ những gì mình đã nhận ra, đã học được trong hai tháng ngắn ngủi vừa qua khi quyết định theo đuổi ngoại ngữ thứ hai ở lứa tuổi có vẻ không còn lý tưởng cho việc học trong mắt nhiều người, nhất là khi phải “chia năm xẻ bảy” thời gian và năng lượng cho công việc, gia đình, con cái và nhiều nghĩa vụ khác trong cuộc sống.
1. Học gì cũng khó
Không có cái gì dễ cả, thật sự. Dù tìm được tài liệu xịn sò cập nhật tới cỡ nào, đăng ký khóa học tốn kém bao nhiêu, đọc được những phương pháp nhiều người đúc kết vẫn không làm cho hành trình học tập trở nên dễ dàng.
Những ngày đầu tiên, mình hăm hở học từng con chữ, đọc từng từ để rồi nhanh chóng nhận ra tiếng Trung khó, quá khó với hình dung ban đầu của mình. May mình nhớ ra “liều thuốc quen thuộc” mỗi lần cần tự an ủi động viên bản thân: Khó mới tới lượt mình học, nếu “dễ như ăn kẹo” thì tất cả mọi người đều thành thạo hết rồi.
Học cần chăm chỉ, đầu tư thời gian, tìm hiểu đủ thứ, rõ ràng không sung sướng dễ dàng bằng xem Youtube, lướt Facebook, nằm đọc truyện. Nhưng nếu chọn con đường dễ dàng để né tránh khó khăn, mình sẽ đi được tới đâu trong cuộc đời này? Cứ tự nhủ như thế, mình dần chấp nhận sự “khó nuốt” của một ngoại ngữ mới. Đừng kỳ vọng sẽ dễ, nhanh, đơn giản, vì đó là cả một ngôn ngữ mới, văn hóa mới cơ mà.
2. Cần một lý do đủ lớn
Học ngoại ngữ thực sự là hành trình chông gai, sẽ có rất nhiều thời điểm nản chí, mệt mỏi, phải lùi mức độ ưu tiên vì có những vấn đề khác cần quan tâm hơn trong cuộc sống, thậm chí lùi mãi tới mức bỏ quên luôn chuyện học hành. Chỉ mới học hai tháng, mình đã va phải vài lần như vậy. Lúc thì vì công việc chính quá bận, tối về nhà đã mệt rã rời không muốn mở sách. Lúc vì mình thấy mệt, chỉ muốn nghỉ ngơi, ngại ngần tất cả mọi việc tốn sức lực mà làm bài tập tiếng Trung là một trong số đó.
Trên con đường trước mắt, chắc chắn còn có nhiều thời điểm khác mình rơi vào trạng thái tương tự, khi việc học tiếng Trung dễ dàng bị bỏ bẵng. Khi ấy, thứ mình cần là một lý do rõ ràng và đủ lớn. Nếu không xác định được điều này, mình hẳn đã không còn có thể tiếp tục, dù chỉ mới đi qua được vài tuần.
Với mình, lý do mình học tiếng Trung là để phục vụ công việc, có thêm ngoại ngữ thứ hai sẽ giúp mình tăng rất nhiều sức cạnh tranh trên thị trường lao động. Hơn nữa, mình có tham vọng sẽ sử dụng được nhiều ngoại ngữ trong tương lai. Nếu không thể học tiếng Trung, làm sao mình thực hiện được mong ước ấy?
3. Muốn sẽ tìm cách, không muốn sẽ tìm lý do
Nếu mình không tập trung học, đó là bởi mình chưa ưu tiên cho mục tiêu ấy, không phải vì quá bận, quá mệt, quá thiếu thời gian. Nếu muốn, mình luôn tranh thủ được rất nhiều khoảng thời gian trống, dù chỉ 15 phút để học thêm điều gì đó, luyện thêm một trang viết, nghe thêm một bài hội thoại.
Nếu nhìn vào con số sử dụng điện thoại mỗi ngày, thời gian lướt Facebook, xem Youtube, cày phim, chat chit… sẽ thấy phần lớn chúng ta không bận rộn như bản thân vẫn tưởng. Dù có công việc chính, chăm sóc gia đình con cái, việc dành được một giờ mỗi ngày để học không phải là không thể, chỉ là có muốn hay không.
Tự biện minh rằng mình bận rộn nên không có thời gian tập thể dục, đọc sách, học ngoại ngữ… tất cả đều chỉ là cách để chúng ta né tránh việc cần làm và đỡ cảm giác “tội lỗi”. Chừng nào vẫn có thể cập nhật không sót “trending” nào trên Internet, những tin nóng hổi, những “drama” bất tận, chừng đó chúng ta vẫn đang có thời gian rảnh để biến nó thành thời gian học.
4. Mỗi hành trình đều khác biệt
Mình từng nghĩ, với kinh nghiệm trầy trật khi học tiếng Anh, mình đã có rất nhiều kinh nghiệm nên việc học tiếng Trung hẳn sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nhưng mình đã nhầm to.
Đúng là mình tự tin hơn, biết cách tìm kiếm thông tin và lựa chọn tài liệu hơn, nhưng không có nghĩa việc học ngoại ngữ thứ hai nhẹ nhàng hơn ngoại ngữ đầu tiên. Mọi thứ vẫn hỗn độn, ngập lụt, và hoang mang như thường.
Ban đầu, mình đặt một kế hoạch có vẻ rất khả thi, đơn giản và nhanh gọn. Nhưng chỉ sau vài tuần thực hiện, mình tá hỏa nhận ra “đời không như là mơ” và phải điều chỉnh lại tất cả. Mỗi ngoại ngữ có đặc điểm rất khác nhau, cách tiếp cận cũng khác, đến giờ mình phải thừa nhận rằng mình đang đi từ số 0 tròn trĩnh bất kể đã từng có kinh nghiệm tới đâu khi học tiếng Anh.
Bù lại, xác định được điều này khiến chân mình… chạm đất, hết mơ tưởng có thể hoàn thành mục tiêu trong thời gian siêu ngắn, đặt ra kế hoạch thực tế hơn, và cũng bình tĩnh hơn trên con đường đó.
5. Tìm hiểu về hành trình của người khác là để học hỏi, không phải để nản lòng
Khi bắt đầu học tiếng Trung, mình lên mạng tìm xem rất nhiều video chia sẻ kinh nghiệm của những người từng học, cả ở Việt Nam và nước ngoài, hầu hết là các bạn trẻ hơn mình (nhiều).
Ban đầu, mình bị choáng ngợp và ngưỡng mộ về độ giỏi giang, chăm chỉ, ý chí quyết tâm của các bạn ấy. Sau đó, mình dần chuyển sang tự ti, lo lắng, thấy bản thân thua kém vì mình không còn trẻ như vậy, lại vướng bận gia đình, công việc chính áp lực, rồi bản thân cũng có lúc lười biếng chán nản… Vậy là từ chỗ đi tìm cảm hứng, học hỏi kinh nghiệm, lẽ ra phải tràn trề năng lượng và hiểu biết thêm, mình lại chuyển thành chán nản, mất niềm tin, và… sợ hãi.
Vòng luẩn quẩn này đã tiêu tốn của mình cả tuần “tụt mood”, không muốn mở sách vì thấy chẳng có hy vọng gì để có thể học nhanh và giỏi như các bạn trên Youtube. Nghĩ lại thấy hơi buồn cười, nhưng suy nghĩ của mình lúc ấy đúng chính xác như vậy. Lẽ ra phải học hỏi, mình lại sợ hãi. Lẽ ra tìm kinh nghiệm của người khác để bản thân hành động tốt hơn, mình lại thôi không hành động. May mà việc này chỉ kéo dài tính bằng tuần trước khi “lý do lớn” kéo mình trở lại con đường cần đi.
Tạm kết.
Ban đầu, mình tự tin cho rằng có thể học được kha khá tiếng Trung, chí ít giao tiếp cơ bản và xem được phim sau 6-9 tháng, nhưng giờ mình đã điều chỉnh kế hoạch ấy thực tế hơn. Đó là vì mình có thêm nhiều thông tin, trải nghiệm, và đánh giá sát hơn về tình hình của bản thân.
Mình sẽ tiếp tục học, tiếp tục thử nghiệm và tìm kiếm những gì phù hợp với mình, sẽ không dừng lại. Một ngày nào đó, mình sẽ thông thạo tiếng Trung như mình mong muốn. Chỉ là mình biết, thành quả ấy chẳng thể nào có được nếu mình trì hoãn, lười biếng, và tự dỗ dành bản thân rằng mình chỉ toàn bất lợi, thiệt thòi.
Bao nhiêu tuổi không quan trọng, cảm thấy mình đang bận rộn hay nhàn rỗi cũng không phải vấn đề, cốt lõi là vì sao mình muốn học, mức độ ưu tiên tới đâu, và nhất định cần bền bỉ mỗi ngày. Vậy thôi.
Sau đây sáu tháng, một năm, hai năm, mình sẽ quay trở lại bài viết này để xem trình độ đã tiến bộ thế nào, và bản thân đã giữ lời hứa với chính mình ra sao.
Hẹn bạn ngày đó!
Tố Uyên.
恭喜新的旅程!