Đừng sợ tuổi 30!
Thật ra, chúng ta đâu sợ khó khăn? Điều chúng ta sợ là: cuộc đời sau này sẽ chỉ toàn những khó khăn. Đáng sợ hơn nữa là: Mình đã hết cơ hội cho tất cả mọi điều, bởi mình đã đi qua tuổi lứa tuổi 20.
Ngày còn nhỏ, mình thấy 30 tuổi là điều gì đó hoành tráng lắm. Một người trưởng thành thực sự.
Lần đầu tiên mình để ý tới tuổi tác và hỏi bố mẹ bao nhiêu tuổi, chính là khi vào học cấp 1. Năm ấy, bố mẹ mình đều 30 tuổi, hai con, chèo chống cả một gia đình. Ban đầu bố mẹ mình không có nhà, ở nhờ khu tập thể cơ quan, không có chút tài sản nào, bố mình còn có bệnh phải chữa trị. Tới 30 tuổi, bố đã khỏi bệnh và khỏe mạnh, có đất có nhà dù chỉ ở trong khu đồi nhưng gần thị trấn, nuôi hai con đầy đủ và còn hỗ trợ nhiều cho họ hàng.
Tuổi 30 trở thành ấn tượng với mình từ hồi ấy, một biểu tượng của sự trưởng thành. Rồi sau này mình cũng luôn nghĩ, khi bản thân mình 30 tuổi, hẳn mọi thứ cũng đã… yên bề.
Và mình yên bề thật, theo một góc nhìn nào đó. Cũng có gia đình, hai con nhỏ, cũng (may mắn) có một căn nhà. Nhưng, tuổi 30 của mình cũng chứng kiến những chòng chành, hoảng hốt trong sự nghiệp, con đường tương lai và cả niềm tin vào bản thân mình.
Quan trọng nhất, khi 30 tuổi, mình nhận ra mình chưa hề lớn, mình còn thiếu quá nhiều điều để bình tĩnh bước về phía trước và để nói “tôi đã trưởng thành”.
Giờ đây, mình 35 tuổi. Năm năm không phải khoảng thời gian quá dài, nhưng kỳ lạ thay, lại là giai đoạn đưa mình bước qua sự chông chênh ấy. Năm năm mang lại nhiều thay đổi, nhưng điều quan trọng nhất và đáng giá nhất nếu mình được chọn để nói với phiên bản 30 tuổi của mình, đó sẽ là:
ĐỪNG SỢ TUỔI 30.
Bài viết hôm nay sẽ dành để chia sẻ về những được mất, trở ngại và cả thuận lợi của lứa tuổi này khi tìm đường phấn đấu. Có lẽ không thể đúng với tất cả hoàn cảnh khác nhau, nhưng đó là những trải nghiệm thật, cảm xúc thật, và bài học không thể nào chân thật hơn từ hành trình của chính mình.
Bài viết này dành tặng bạn, nếu bạn đang ở lứa tuổi 3x với nhiều lo toan và tự ti về tuổi tác, hoặc bạn đang ở lứa tuổi 2x và lo lắng về một ngày mình sẽ “sang đầu 3”, và sẽ… già.
1. Tuổi 30 thực sự… đáng sợ!
Không phải do mình “nghĩ quá” lên đâu, đó là sự thật.
Bạn có từng trải qua cảm giác, chỉ sau khoảng thời gian ngắn ngủi chợt nhận ra cuộc đời mình từ nay đã khác đột ngột chuyển sang trạng thái mới? Ví dụ như khi học đại học, lúc nào bố mẹ cũng nhắc nhở: không được yêu, phải tập trung học. Ngay khi tốt nghiệp xong và có công việc, bỗng dưng các câu hỏi thay đổi hẳn, lập tức trở thành: có người yêu chưa, bao giờ kết hôn?
Tuổi 30 cũng vậy. Chỉ trước đó một thời gian ngắn, lúc 22 tới khoảng 27 tuổi, mình luôn cảm thấy mình rất trẻ, chỉ mới ở giai đoạn đầu tiên của sự nghiệp. Mình còn rất nhiều cơ hội, luôn có thể thay đổi công việc, chọn hướng đi mới nếu cần. Nhưng gần tới tuổi 30, bỗng một ngày mình sửng sốt nhận ra mình đã không còn trẻ nữa, không còn ở lứa 2x, không còn có thể thích gì làm nấy hoặc thay đổi bất cứ lúc nào.
Không dừng ở đó. Mình nhìn quanh và nhận ra bản thân đã trở thành trụ cột kinh tế của gia đình từ bao giờ. Bố mẹ đã có tuổi, con cái còn nhỏ xíu, đôi khi bạn đời gặp khó khăn trong công việc. Rất nhiều vấn đề trong cuộc sống của đại gia đình dồn lên hai vợ chồng. Mỗi ngày hai tư giờ phải chia năm xẻ bảy với bao trách nhiệm, muốn học cũng không biết học vào lúc nào, cần nửa tiếng tập thể dục thôi cũng khó.
Đó là chưa kể, đâu đâu cũng nói 30 tuổi là “đã già”, càng khẳng định những gì chúng ta nghĩ về bản thân. 30 tuổi, không còn minh mẫn nhanh nhẹn để học điều mới. Đã vướng bận gia đình, không thể có thời gian để phấn đấu, học hỏi. 30 tuổi, ai thành công đều đã thành công, ai chưa thành công là thất bại và hết cơ hội. Hãy xấu hổ khi 30 tuổi vẫn đi nộp hồ sơ xin việc…
Áp lực lớn nhất có lẽ đến từ kỳ vọng của chính mình khi còn nhỏ: 30 tuổi là người trưởng thành. Thực tế khác xa với kỳ vọng ấy. Mình thường xuyên chao đảo giữa hy vọng và thất vọng, cố gắng đưa ra lựa chọn rồi lại nghi ngờ chính lựa chọn ấy, thậm chí đôi lúc không kiểm soát được cảm xúc của bản thân, buồn, khóc…
Thật đáng sợ. Và thật sự không giống một người trưởng thành.
2. Nhưng, hành trình tuổi 30 chính là sự trưởng thành
Tuổi 30 không phải một “tuổi 20 khác”. Mình chắc chắn về điều đó. Lý do là: Chúng ta thực sự có những khó khăn và lợi thế khác biệt hoàn toàn lứa tuổi 20. Hãy thẳng thắn với nhau và với chính mình. Thật ra, chúng ta đâu sợ khó khăn? Điều chúng ta sợ là: cuộc đời sau này sẽ chỉ toàn những khó khăn. Đáng sợ hơn nữa là: Mình đã hết cơ hội cho tất cả mọi điều, bởi mình đã đi qua tuổi lứa tuổi 20.
Chúng ta không hết cơ hội. Không đâu. Mỗi giai đoạn của cuộc đời mang tới những cơ hội khác nhau. Tuổi 20 không “cướp” đi điều gì của tuổi 30 cả. Mọi thứ vẫn đang ở phía trước. Chúng ta, vẫn đang tiến về phía trước.
Và trên hành trình ấy, xin hãy nhớ rằng:
Tuổi 30 là độ tuổi đẹp nhất trong cuộc đời, giống như khi 10 tuổi, 20 tuổi, hay 50 tuổi, 80 tuổi sau này. Ngày nào được sống cũng là một ngày mới. Được sống, đã là một đặc ân. Vì thế, một ngày ở tuổi 30 quý giá, đầy cơ hội giống hệt như khi 2x hoặc bất cứ lứa tuổi nào. Đừng gán nhãn cho thời gian, bởi thời gian là tài sản quý nhất và lớn nhất chúng ta có.
Trách nhiệm giúp chúng ta trân quý cơ hội, thời gian hơn, và vì thế đó là động lực cũng là áp lực thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước.
Với những trải nghiệm đã có trong cuộc sống và công việc, chúng ta học tốt hơn, nhanh hơn và “ngấm” kiến thức hơn lứa tuổi 20. Hãy tin mình. Bởi năm năm mình học được nhiều nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất không phải lúc mười tám đôi mươi, mà khi mình đã có hai con nhỏ và ở chính lứa tuổi 30 này.
Bạn sẽ không bao giờ trẻ hơn hôm nay. Có điều gì muốn bắt đầu hoặc cần phải bắt đầu, “túm” lấy ngày hôm nay và bạn đang hành động sớm nhất có thể.
Chẳng có công thức chung nào cho hạnh phúc của mỗi người. Cùng một lứa tuổi, chúng ta có thể đang ở những hoàn cảnh rất khác nhau: độc thân, kết hôn chưa có con, đã có một con, hai con, nhiều con…
Không ai sống cuộc đời của mình, chỉ có mình tự sống, nên tự mình đi đường riêng là được, không cần đóng mình vào một cái khung. Theo cái khung ấy, lẽ ra mình - sau khi tốt nghiệp thủ khoa, đứng trước cơ hội du học để trở thành giảng viên, sẽ học tập xây dựng sự nghiệp hoành tráng trước bất cứ điều gì. Nhưng thực tế, mình kết hôn khi còn chưa nhận bằng tốt nghiệp.
Ngược lại, thay vì đi theo một cái khung khác, ra trường đi làm vài năm sẽ “phải lấy chồng”, nhưng bạn vẫn đang miệt mài sống cuộc sống độc thân, điều đó hoàn toàn ổn. Chúng ta đều ổn.
Chẳng có lựa chọn nào là không thể thay đổi. Chọn rồi luôn có thể chọn lại nếu mọi thứ trở nên quá tiêu cực, về sức khỏe thể chất và tinh thần, dù đó là công việc, nơi sinh sống, bạn đời… Ở tuổi 30, nhất định hãy thiết lập những giới hạn lành mạnh cho bản thân để bảo vệ chính mình.
Và còn nhiều nữa. Nhưng đó là những bài học lớn nhất của mình. Thấm nhuần chúng khiến mình yêu tuổi 30, thay vì sợ hãi, lo lắng và chối bỏ. Tuổi 30, thực ra là quãng đời rất đẹp, rất rất đẹp của chúng mình.
3. Những gì chúng ta nên làm ở tuổi 30?
Làm gì có ai khác hiểu về hoàn cảnh riêng của chính chúng ta để đưa ra câu trả lời cho băn khoăn này? Nhưng bằng trải nghiệm của bản thân, mình có vài điều nhỏ bé muốn chia sẻ với bạn về giai đoạn khó khăn, thú vị, và cũng vô cùng nhạy cảm này trong cuộc đời chúng ta. Tất cả xoay quanh một chữ: ĐỘC LẬP.
Độc lập về tâm lý: Chẳng ai sống được một mình giữa đời, chúng ta cần những mối quan hệ, nhưng đừng phụ thuộc về tâm lý vào ai, nhất là vợ chồng, người yêu.
Độc lập về tri thức: Không có gì chắc chắn bằng những gì đã ở trong đầu mình. Đó cũng là tài sản đáng quý thuộc về mỗi cá nhân, thậm chí là tài nguyên để kiếm tiền. Hãy học tập, đọc sách, trau dồi ngoại ngữ. Sự độc lập về tri thức sẽ giúp chúng ta tự tin giữa cuộc đời, theo nhiều cách.
Độc lập về tài chính: Ít nhiều cũng nên có thu nhập riêng của mình, có thể từ con số nhỏ rồi tăng dần lên, quan trọng là đảm bảo tự lo được cho bản thân, tốt hơn nữa là lo được cho con cái, bố mẹ, người thân.
Thực ra, ba điều trên cần thiết với mọi lứa tuổi, nhưng tuổi 30 là ngưỡng đầu tiên những điều này trở nên vô cùng quan trọng.
Bill Gates có nói: “Hầu hết mọi người đánh giá quá cao những gì họ có thể làm trong một năm và đánh giá quá thấp những gì họ có thể làm trong mười năm”.
Mười năm nữa, chúng ta sẽ có điều chúng ta muốn, miễn là bắt đầu từ hôm nay.
Tạm kết.
Gần đây, mình xem nhiều lần bài phát biểu của huyền thoại quần vợt Roger Federer tại Đại học Dartmouth. Trong số rất nhiều bài học hay, mình ấn tượng với câu anh ấy nói về việc theo đuổi mỗi điểm (point) của trận đấu, đại ý là:
“Khi bạn đang chiến đấu vì một điểm, nó phải là điều quan trọng nhất trên thế giới. Nhưng khi nó đã đi qua, hãy để nó lại phía sau. Tư duy này quan trọng, bởi nó giúp bạn hoàn toàn tập trung vào chinh phục điểm tiếp theo”.
Bạn thân mến,
Dù quãng đời đã qua mang lại cho bạn hoặc đã lấy mất của bạn bao nhiêu điểm, chúng ta cũng cần để chúng lại ở đó và bước tiếp.
Dù hôm nay bạn vừa tốt nghiệp và đang lo lắng về hành trình trước mắt, bạn ở ngưỡng cuối lứa tuổi 20 và sợ hãi khi nghĩ về “khủng hoảng tuổi 30”, hay bạn đã qua 30 tuổi và thực sự trải nghiệm sự khủng hoảng ấy với đầy nghi hoặc về bản thân kèm rất nhiều thất bại, mình mong chúng ta hãy cùng nhau để quá khứ lại sau lưng, để chiến đấu chỉ vì một điểm trước mắt mình.
One point, and it is the matter.