Nhiều năm trước, khi còn là học sinh phổ thông, tôi chỉ đăng ký dự thi duy nhất một trường đại học với khối A - khối chính của mình: Học viện Bưu chính viễn thông, với mong muốn ra trường sẽ giống như bố tôi, làm việc ở Bưu điện; luôn luôn là một kỹ sư viễn thông như vậy, không thay đổi cho đến khi nghỉ hưu.
Thực tế hoàn toàn ngược lại. Hơn mười năm lập nghiệp, tôi đã trải qua nhiều thời khắc nghi hoặc về tương lai của mình và không ít lần chuyển hướng bởi cuộc sống có quá nhiều biến động. Tôi như một con thuyền trên biển lớn, luôn cố gắng giữ mình đứng vững, lại còn dõi theo hướng gió, điều chỉnh cánh buồm sự nghiệp đi đúng hướng để có sự nghiệp phù hợp với tính cách, hoàn cảnh, và mong ước riêng về tương lai.
Trên hành trình đó, những tư duy của tôi về hướng nghiệp đã có nhiều thay đổi. Có thể mười năm sau, có thể những suy nghĩ của tôi không giống như hôm nay. Nhưng hiện tại, đây là những nguyên tắc chính giúp tôi ra quyết định điều chỉnh hướng trong sự nghiệp. Tôi hy vọng, chia sẻ của mình có thể mang lại chút đồng cảm với bạn – có thể bạn đang mông lung giữa nhiều ngã rẽ trong sự nghiệp vốn rất dài và nhiều đổi thay.
1. HƯỚNG ĐI CÓ THỂ ĐIỀU CHỈNH, THẬM CHÍ THAY ĐỔI HOÀN TOÀN.
Bố tôi là một kỹ sư viễn thông, đó là tấm gương duy nhất tôi biết tới và muốn noi theo. Do vậy, tôi chưa từng nghĩ đến nghề nghiệp nào khác. Gần năm năm trong trường đại học, tôi tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, thậm chí còn là thủ khoa cả đầu vào và đầu ra. Sau đó tôi trở thành nhân viên Tập đoàn Viettel – một con đường tôi nghĩ là suôn sẻ khi được làm đúng ngành đã học với thu nhập khá ổn định.
Sau vài năm làm ở Viettel, tôi nhận ra mình thích công việc thiên về hướng quản lý, vận hành đội nhóm, cải tiến quy trình và chất lượng hơn làm thiết kế chi tiết mạng lưới viễn thông như lúc đó. Dẫu vậy, đó chỉ là suy nghĩ mơ hồ, tôi không thực sự biết mình phải đi đường nào, lựa chọn tiếp theo là gì để được làm công việc mong muốn. Thậm chí lúc đó, tôi còn chưa gọi được tên được công việc mình muốn là gì.
Có lẽ bởi thực sự ước mong tìm thấy một con đường khác, nên tôi đã gặp may mắn. Một lần, tôi tình cờ nhìn thấy dòng trạng thái trên facebook của một người em cùng trường đại học đang làm ở Tập đoàn VNPT, đăng tuyển giúp công ty tìm người quản lý dự án nghiên cứu sản xuất thiết bị viễn thông. Tôi đánh liều gửi hồ sơ nhờ em ấy giới thiệu. Tuy chưa có kinh nghiệm làm PM (project manager – quản lý dự án) chuyên nghiệp, nhưng tôi có kiến thức và kinh nghiệm về viễn thông nên chắc hẳn cũng có lợi thế nhất định. Tôi tự nhủ như vậy để có thêm can đảm bước chân vào một công việc vốn chưa từng được dạy trong trường đại học.
Những lo lắng ban đầu biến thành sự phấn khích khi tôi tìm thấy niềm vui trong công việc, thực sự cảm thấy mình phù hợp. Tôi quyết định đi xa hơn nữa trên con đường ấy, chuyển sang chuyên về phát triển phần mềm. Tôi học và thi các chứng chỉ quản lý dự án chuyên nghiệp. Khi đã tích lũy được lượng kiến thức, kinh nghiệm nhất định về quản lý và cải thiện được kỹ năng tiếng Anh, tôi tiếp tục học cao hơn - bậc thạc sỹ về quản lý.
Cách đây mười năm, nếu ai đó nói tôi sẽ không còn làm một kỹ sư viễn thông, tôi hẳn sẽ cho rằng đó là một lời nói đùa. Bởi khi ấy, đó là điều duy nhất tôi biết, thậm chí tôi đã tin mình sẽ làm tới khi nghỉ hưu. Nhưng những thay đổi, biến động, và dấn thân hơn một thập kỷ đã qua của tôi là minh chứng cho khả năng thích ứng của mỗi người trước những khúc quanh sự nghiệp. Tôi đã nhận ra, nghề nghiệp là điều hoàn toàn có thể thay đổi. Những năm đại học là quãng thời gian quý giá, giúp chúng ta xây dựng nền tảng hiểu biết và kỹ năng, nhưng không có nghĩa khiến ta nhất định chỉ làm một công việc suốt đời. Đôi khi, làm trái ngành sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị và cơ hội hứa hẹn mà tôi chắc chắn mình không thể có được nếu chỉ đi theo một con đường duy nhất từ khi bắt đầu sự nghiệp.
2. KHÔNG SỢ SAI NHƯNG CHỈ THAY ĐỔI KHI ĐÃ CÓ SỰ CHUẨN BỊ.
Vậy khi lựa chọn việc làm có cần quá “nắn nót”? Cứ thử, nếu sai ta chọn lại, vậy có ảnh hưởng gì không?
Tôi nghĩ, mình không đủ thông tin và trải nghiệm để trả lời tất cả khía cạnh của câu hỏi này một cách sâu sắc. Nhưng với những gì đã trải qua, tôi nhận thấy có ba bài học quan trọng:
Thứ nhất, nỗi sợ lựa chọn sai là lý do hàng đầu ghìm chân những đổi thay. Hãy viết ra nỗi sợ của bạn khi đứng trước lựa chọn nghề nghiệp, hậu quả lớn nhất có thể xảy ra, và cách ứng phó của bạn. Bạn hãy chỉ thử khi đã có dự phòng cho phương án B. Nếu thất bại, bạn có tiền để duy trì cuộc sống trong mấy tháng? Có khả năng tìm kiếm công việc khác ở đâu nếu lựa chọn thay đổi không suôn sẻ? Bạn tự đặt ra giới hạn thời gian bao lâu, mấy tháng, mấy năm cho thử nghiệm này?
Tôi đã lo lắng rất nhiều vì sợ mình lựa chọn sai, nhưng thực tế, mặc dù gặp khó khăn, tôi đã nhận được nhiều hơn những gian nan ấy rất nhiều. Cứ bước từng bước, “dò đá qua sông” và nỗ lực hết mình, tôi tin mọi điều đều là có thể. Trường hợp xấu nhất nếu thất bại, chúng ta còn có phương án B.
Thứ hai, nhìn cỏ bên kia đồi lúc nào cũng thấy xanh hơn. Vì thế, khi đã chọn bạn đừng nuối tiếc, bởi ta không thể biết được những gì sẽ tới ở con đường mình không lựa chọn. Khi tôi chuyển sang làm phát triển phần mềm, có người đã hỏi: có tiếc viễn thông không? Nếu tiếp tục làm kỹ sư viễn thông có thể cũng có vị trí nào đó rồi? Tôi biết chắc chắn câu trả lời của mình: Không nuối tiếc.
Tôi đã lựa chọn đi con đường khác, vậy không thể biết được nếu vẫn tiếp tục lối cũ sẽ đưa đến thành công hay thất bại nào? Có sự nghiệp thành công nào mà không đánh đổi bằng mồ hôi công sức, bằng rất nhiều nỗ lực không mệt mỏi đâu? Thay vì ngoảnh lại, tiếc nuối một cánh đồng cỏ xanh vốn không thuộc về mình, tôi nghĩ cần phải tập trung vào những gì mình đang có, vun xới chính mảnh đất mình đã lựa chọn. Một ngày nào đó, chắc hẳn mảnh đất dưới chân cũng sẽ xanh tốt, đủ để nuôi sống tôi và tương lai tôi mong ước.
Thứ ba, điều quan trọng nhất khi đổi hướng sự nghiệp là cần tìm được người dẫn dắt tốt. Nhiệt huyết, quyết tâm, nỗ lực đều quan trọng, nhưng hướng đi đúng mới giúp chúng ta đến được đích mong muốn. “Your direction is more important than your speed” (Richard L. Evans) (Định hướng đúng quan trọng hơn tốc độ).
Học hỏi kinh nghiệm từ những người đã từng trải qua hoàn cảnh giống mình, tìm hiểu kỹ xu hướng ngành nghề mình quan tâm trong hiện tại và tương lai, tìm kiếm sự tư vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực mình đang dự định bước vào. Đó là những điều quan trọng, cần thiết, thậm chí có ý nghĩa quyết định cho thành công của những quyết định dấn thân.
3. SỰ NGHIỆP KHÔNG NHẤT THIẾT CHỈ CÓ MỘT HƯỚNG.
Khi còn nhỏ, tôi hay nghe người lớn hỏi: “Sau này thích làm gì? Cô giáo, bác sỹ, hay bộ đội?”. Lớn hơn, tôi cảm thấy quyết định lựa chọn trường đại học như gắn cả cuộc đời mình vào một lộ trình cố định. Hơn nữa, dân gian có câu “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, nên tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể làm thêm một công việc nào khác ngoài công việc chính.
Một số bạn bè, đồng nghiệp của tôi ngoài việc ở công ty có làm thêm bán hàng online, nhưng chỉ với ý nghĩa thời vụ, “kiếm thêm”, hoàn toàn không coi đó là một sự nghiệp theo đuổi lâu dài. Đã có những khoảng thời gian tôi cũng vậy, vì muốn kiếm thêm tiền, nên ngoài giờ hành chính, tôi bán túi xách, mật ong chanh đào, nông sản mang ở quê lên. Nhưng với tôi đó không phải công việc để có thể phát triển thành sự nghiệp.
Gần đây, khi bắt đầu đăng những bài viết đầu tiên – sản phẩm của sở thích viết cho bản thân lên các kênh mạng xã hội, tôi nhận được rất nhiều lời động viên, khích lệ của người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Tôi đã mở trang blog In Metime như một cách để thỏa mãn niềm đam mê viết, chia sẻ những trải nghiệm trên hành trình trưởng thành với bạn đọc, và tìm kiếm cho mình sự cân bằng trong cuộc sống…
Nhưng càng ngày, tôi càng nhận ra đây hoàn toàn có thể trở thành một công việc thực sự của tôi trong tương lai. Viết là sở thích, niềm vui, cũng là cách tôi ghi lại mỗi ngày cuộc sống ý nghĩa của mình. Tôi chưa biết con đường này sẽ dẫn tới đích đến nào, nhưng biết đâu đấy, khi tôi thực sự nghiêm túc với việc viết, một ngày nào đó nó sẽ trở thành sự nghiệp thứ hai của tôi.
Trong cuộc đời mỗi người, có lẽ chúng ta thực sự có nhiều hơn một hướng để xây dựng sự nghiệp cho mình. Tôi đã đi một quãng đường khá dài với việc quản lý dự án, đồng thời đang bắt đầu những nấc thang đầu tiên trong nghề viết. Hai công việc tưởng chừng không liên quan, nhưng thực tế đang hỗ trợ cho nhau rất nhiều. Nếu bạn cũng có ý tưởng nào đó về một sự nghiệp thứ hai, tôi mong bạn hãy cho mình cơ hội để bắt đầu. Chúng ta cần có trải nghiệm; rất có thể sự dấn thân ấy sẽ dẫn đến nơi nào đó tràn đầy cảm hứng, nhiệt huyết, và thành công ta chưa hề nghĩ tới.
THAY LỜI KẾT
Cho tới nay, sau nhiều lần thay đổi, lựa chọn, chỉnh sửa hướng phát triển sự nghiệp, tôi vẫn thường xuyên đối mặt với câu hỏi khó: tiếp theo đi đường nào? Bởi vậy, tôi cho rằng tìm kiếm và điều chỉnh là việc chúng ta luôn luôn phải làm cho dù đang đứng ở đâu trên nấc thang sự nghiệp.
Tôi cầu mong cho bạn và chính tôi luôn vững vàng, dũng cảm, và kiên định với con đường đã chọn, nhưng khi cần cũng sẵn sàng chuyển hướng hoặc dấn thân với hướng đi mới khi cần bởi cuộc sống xung quanh vốn không đứng yên. Hay như cách nói của nhà văn Mỹ Louis L'Amour:
“The only thing that never changes is that everything changes”.
(Điều duy nhất không bao giờ thay đổi là sự thay đổi).
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.
* Một số bài viết cùng chủ đề: