Con đường tốt nhất để đi tới là… quay trở lại
Trở lại với một niềm tin cũ, sở thích cũ, niềm khao khát cũ, chuyên môn cũ, kỹ năng cũ… không chỉ giúp mình viết lại quá khứ mà còn tạo ra nhiều cơ hội cho tương lai.
Cách đây gần chục năm, lúc mới rón rén tìm đường phát triển ở nghề quản lý dự án, thứ đầu tiên mình quyết ôm sách vở đi học là: Tiếng Trung.
Lý do là bởi ở dự án đầu tiên mình quản lý lúc ấy, đối tác làm cùng là một công ty Trung Quốc. Hàng ngày bọn mình giao tiếp bằng tiếng Anh. Tiếng Anh của mình hồi đó rất tệ, vừa nói vừa khoa chân múa tay tán loạn, nhưng không hiểu sao mình không nghĩ tới việc học tiếng Anh, mà quyết chí học hẳn tiếng Trung.
Mình không nghĩ quá xa, chỉ muốn làm thật tốt dự án đó, nói được chút tiếng Trung với đối tác chắc sẽ tốt hơn chứ?
Thế là mình đăng ký một khóa vỡ lòng trên mạng, ngày ngày học theo. Được khoảng vài tháng thì mình từ bỏ vì dự án kết thúc, mình lại tìm thấy thứ khác cần kíp hơn phải học (chứng chỉ chuyên môn), quan trọng nhất là không tìm thấy động lực thực sự, rõ ràng câu hỏi vì sao.
Mình “chia tay” tiếng Trung với những ấn tượng tiêu cực đủ khiến mình tin tưởng rằng sẽ không bao giờ quay trở lại: khó, không hợp, không phục vụ rõ ràng cho công việc.
Gần đây, khi tiếng Anh đã ổn ổn, bỗng dưng mình loay hoay không biết nên học gì tiếp theo. Đặt lên bàn cân mấy ngoại ngữ: Nhật, Hàn, thậm chí cả tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha cũng nằm trong danh sách. Nghiên cứu mãi, cân nhắc mãi vẫn không chọn được vì có nhiều tiêu chí riêng mình đặt ra mà một trong số ngoại ngữ trên không đáp ứng được.
Kết quả chỉ ngã ngũ khi mình chấp nhận một lần nữa tìm hiểu về tiếng Trung và ngỡ ngành nhận ra đó là sự lựa chọn hợp lý nhất lúc này, hoàn toàn không có gì giống với ấn tượng cũ.
Tiếng Trung vẫn vậy, nhưng mình đã thay đổi. Hoàn cảnh thay đổi, thị trường lao động và ngành của mình thay đổi, thậm chí nguồn lực mình có về thời gian và tài chính cũng khác. Mấy tháng vừa qua, càng học mình càng cảm thấy đây là lựa chọn đúng đắn. Sẽ thật đáng tiếc biết bao nếu mình cứ sống mãi với những ấn tượng cũ và không đưa tiếng Trung trở lại danh sách lựa chọn.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều trải nghiệm của mình với công thức rất giống nhau:
Đi mãi, rồi lại quay trở lại với điểm bắt đầu, với một lựa chọn cũ, để rồi nhận ra đó chính là lựa chọn phù hợp nhất với mình.
Trong bài blog này, mình sẽ chia sẻ với bạn suy nghĩ của mình về một cách đã trở thành quen thuộc mỗi lần mình phải tìm kiếm phương án và lựa chọn: Quay trở lại với lựa chọn tưởng chừng đã cũ.
1. Chúng ta có rất nhiều điều “tưởng chừng đã cũ”
Nếu lật lại hành trình đã qua, từ lúc còn nhỏ, tới học phổ thông, đại học, rồi đi làm… Có rất nhiều thứ chúng ta đã:
Từng học, làm, trải nghiệm nhưng sau đó không phát triển tiếp hoặc không dùng tới nữa. Chuyên ngành đại học là một ví dụ, rất nhiều bạn (trong đó có mình) đang làm một công việc chẳng liên quan tới tấm bằng đại học.
Từng thử nhưng chán hoặc thất bại nên từ bỏ và… sợ luôn. Ví dụ như tiếng Trung đối với mình hiện tại, tiếng Anh với mình của vài năm trước.
Rất muốn làm nhưng vì ai đó ngăn cấm, chê trách phê bình, hoặc luôn nghĩ mình không đủ giỏi để làm, ví dụ như mình trước giờ vẫn nghĩ không hề biết vẽ dù khá thích, từ nhỏ chỉ biết trang trí hình vuông, vẽ gì cũng xấu.
…
Chúng ta thường đặt ra những câu hỏi: Giờ mình làm gì? Học gì? Có lựa chọn tốt đẹp nào ngoài kia mà mình không biết?
Nhưng sự thật là, chúng ta đã từng chạm tới, nghĩ tới, trải qua hầu hết những lựa chọn phổ biến nhất, tốt nhất, hợp nhất với con đường của mình rồi. Những lựa chọn chẳng đến từ hư không, đa phần đều vì có liên quan tới một sự kiện hoặc một mối quan hệ nào đó.
Chúng ta biết nó đấy, nhưng đi lướt qua nó, cất nó vào sâu trong quá khứ và không coi trọng những lựa chọn đã cũ ấy mà thôi.
Mình vẫn luôn tin rằng, tương lai được tạo nên từ câu chuyện của mỗi người trong quá khứ. Thứ cần tìm, điều cần làm, thực ra vẫn ở đó một cách hiển nhiên. Cứ lật lại từng trang sách của thuở nhỏ, của thời thanh xuân, của những tháng năm từng lăn lộn, có rất nhiều điều tưởng chừng đã cũ sẽ chính là điều chúng ta có thể lựa chọn để đi tiếp những ngày trước mắt.
Những lựa chọn tốt nhất, thực ra là điều chúng ta từng chọn nhưng bỏ lại, hoặc điều rất muốn nhưng chưa từng dám chọn, hoặc vì quá sợ thất bại một lần nữa nên không dám bắt đầu thêm.
2. “Điều đã cũ” là điều chúng ta hiểu nhất trong số các lựa chọn
Đặt các ngoại ngữ lên bàn cân, rõ ràng mình hiểu tiếng Anh nhất vì từng dành cả chục năm phổ thông để… học ngữ pháp cơ mà. Dù vài năm trước không nghe được nói được, đúng kiểu “câm điếc”, mình vẫn biết đó là thứ tiếng mình có lợi thế nhất để biến nó thành “dùng được”. Muốn học ngoại ngữ nào mới, mình cũng nên chờ tới nghĩ đã sử dụng được tiếng Anh.
Đã làm quản lý dự án phần mềm tới gần chục năm, đã khá thông thạo và có vị trí nhất định, mình vẫn cảm thấy viễn thông là gốc rễ của mình. Đó là ngành mình được học suốt năm năm, rồi đi làm gần năm năm sau đó. Giờ đây mình có thể học về rất nhiều thứ, nhưng rõ ràng viễn thông là điều mình hiểu nhất.
Khi bắt đầu nghĩ tới việc sáng tạo nội dung, mình đọc khá nhiều về xu hướng. Mình biết lợi thế của việc làm Youtube, của định dạng video (nhất là video ngắn), rồi Instagram với hình ảnh đẹp, Tiktok với sự phát triển bùng nổ, Facebook với nhiều triệu người dùng…
Chỉ có điều, mình chưa từng có kinh nghiệm, chưa hiểu gì về quay video, biên tập âm thanh hình ảnh, mình chỉ từng viết mà thôi. Đó là điều mình hiểu nhất, có trải nghiệm nhất, là “điều đã cũ” vì mình từng viết thơ viết truyện gửi báo từ ngày còn nhỏ. Viết là một “điều đã cũ” của mình.
…
Trên cuộc đời này, những lối rẽ là vô cùng. Đôi khi, điều khiến chúng ta hoang mang khó xử không phải vì không có lựa chọn, mà vì quá nhiều lựa chọn bày ra trước mắt, không biết cầm lấy cái gì và đặt xuống cái gì.
Bản thân mình, bất cứ khi nào có thể, mình sẽ ưu tiên những “điều đã cũ”. Lý do đơn giản bởi vì, đó thường là điều mình hiểu nhất, từng có trải nghiệm thực tế, những điều khác thì không. Sự bóng bẩy, tốt đẹp của những lựa chọn khác chỉ bởi chúng ta chưa từng trải nghiệm chúng mà thôi.
Lựa chọn nào cũng có cơ hội và khó khăn. Không thể kết luận đâu là con đường chắc thắng. Nhưng đưa ra một lựa chọn chỉ dựa trên cảm tính, không có trải nghiệm là dấu hiệu “nguy hiểm” bậc nhất dẫn tới thất bại. Cách để giảm thiểu rủi ro, với mình, là ưu tiên một điều “tưởng chừng đã cũ”.
3. Đừng sợ quay trở lại bởi bản thân bạn đã khác rồi
Một lý do lớn khiến chúng ta bỏ lỡ rất nhiều lựa chọn tốt là vì hội chứng “chim sợ cành cong”.
Từng bị chê học toán dở, nên cả đời tin rằng mình không thể nào làm công việc liên quan con số. Từng học tiếng Anh nhiều lần nhưng không đạt được kết quả gì, nên mặc định mình kém ngôn ngữ, không bao giờ thành thạo được. Từng đi làm một ngành và gặp thất bại, nên chuyển ngành, và thế là bỏ luôn chuyên môn không quay lại.
Chúng ta đã từng thử rất nhiều, cũng từng thất bại rất nhiều (nếu không nói là phần lớn), để rồi bỏ qua luôn lựa chọn đó.
Nhưng thực ra, thời gian qua đi, bản thân chúng ta đã khác. Kiến thức nhiều lên, kinh nghiệm dày dặn hơn, kỹ năng phong phú hơn, ngay cả sự kiên định về tâm lý cũng khác nhiều.
Thử thách vẫn vậy, nhưng con người đã khác.
Có một câu chuyện mình rất ấn tượng, đại ý thế này: Một chú voi nhỏ bị xích, nó cố gắng thoát ra nhưng không thể. Thời gian dài trôi qua, chú voi đã lớn, người ta cũng vẫn sử dụng sợi xích cũ nhưng nó đã không còn cố gắng để thoát ra nữa mặc dù hiện tại sức nó đã có thể dễ dàng phá xích.
Có rất nhiều nỗi sợ, niềm tin, ấn tượng về thất bại in hằn trong chúng ta từ nhiều năm trước. Tới sau này, dù bản thân đã trưởng thành mạnh mẽ hơn nhiều, chúng ta vẫn giống chú voi kia, không bao giờ còn thử phá xích nữa.
Bằng chứng là dù hàng chục năm học tiếng Anh vẫn “câm điếc”, chỉ sau một năm thay đổi cách học, mình đã giao tiếp khá tốt để phục vụ cho công việc.
Bằng chứng nữa là lần thứ hai quay trở lại với tiếng Trung, mình vẫn thấy rất khó nhưng đã vui hơn, biết cách lọc lựa tài liệu, biết chọn cách học nên mọi thứ dễ chịu hơn nhiều.
—
Trước đây, khi nghĩ về điều muốn học, muốn làm, tìm kiếm hướng đi cho tương lai, mình thường lục tung cách người khác làm, điều người khác, hướng người khác chọn. Giờ mình ít khi như vậy, bởi mình tin trong hành trình đã qua ẩn chứa rất nhiều cơ hội lớn mà trước đây mình đã bỏ qua hoặc không đủ sức theo đuổi.
Có một số điều đúng là mới mẻ, nhưng phần lớn là những điều đã cũ mình từng “chạm” vào trước đây.
Trở lại với một niềm tin cũ, sở thích cũ, niềm khao khát cũ, chuyên môn cũ, kỹ năng cũ… không chỉ giúp mình viết lại quá khứ mà còn tạo ra nhiều cơ hội cho tương lai. Mình thực sự thấy rằng, câu trả lời cho băn khoăn của chúng ta thường ở rất gần, thậm chí nó vẫn luôn ở đó, ngay trước mặt, ngay trong tiềm thức, ngay trong nỗi e ngại chúng ta vẫn cố gắng né tránh.
Nói cách khác, chúng ta vẫn luôn biết mình cần phải làm gì, chỉ là có dám đối mặt với đáp án ấy hay không mà thôi.
Chúc chúng ta luôn có đủ dũng cảm và quyết tâm, không chỉ để tiến về phía trước, mà đôi khi là để quay trở lại với một điều đã cũ.
Thân mến,
Tố Uyên.