NHỮNG CHỨNG CHỈ QUAN TRỌNG CHO NGƯỜI LÀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
Nhiều người đã làm vị trí này, hoặc có dự định chuyển sang làm quản lý dự án thường có câu hỏi: Vậy, có những hệ thống chứng chỉ nào quan trọng, uy tín, và được đánh giá cao trên thị trường lao động?
Trong những năm gần đây, các công ty trong nhiều ngành nghề: viễn thông, phần mềm, xây dựng, ngân hàng, chứng khoán… dần dần dành sự quan tâm lớn đến việc xây dựng cách thức vận hành các dự án một cách chuyên nghiệp, để nâng cao chất lượng và xác suất thành công, tối ưu chi phí cùng nhiều lợi ích khác.
Để làm được điều đó, việc tuyển dụng được đội ngũ quản lý dự án có hiểu biết và kinh nghiệm trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu. Trong các tiêu chí tuyển dụng, việc sở hữu các chứng chỉ là một yếu tố quan trọng, để đảm bảo ứng viên có nền tảng kiến thức chuẩn quốc tế, hiểu và tích hợp được các kiến thức này vào môi trường đặc thù của từng công ty.
Nhiều người đã làm vị trí này, hoặc có dự định chuyển sang làm quản lý dự án thường có câu hỏi: Vậy, có những hệ thống chứng chỉ nào quan trọng, uy tín, và được đánh giá cao trên thị trường lao động cho vị trí quản lý dự án?
Trong bài viết này, mình sẽ trả lời câu hỏi đó bằng kinh nghiệm và hiểu biết của mình qua nhiều năm làm việc trong ngành.
Trên thế giới hiện có khá nhiều đơn vị giảng dạy, cung cấp các bài kiểm tra và cấp chứng chỉ cho nghề quản lý dự án. Tuy nhiên, có ba đơn vị uy tín nhất, có hệ thống chứng chỉ được công nhận trên toàn thế giới là:
PMI (Project Management Institute): https://www.pmi.org/
Scrum.org: https://www.scrum.org/
Scrum Alliance: https://www.scrumalliance.org/
1 – CHỨNG CHỈ CỦA PMI
Về cơ bản, chứng chỉ của PMI được chia theo hai chiều: chiều rộng, và chiều sâu.
Chiều rộng: Hệ thống chứng chỉ bao phủ nhiều mảng kiến thức chuyên biệt để quản lý dự án, ví dụ như quản lý rủi ro PMI-RMP, PMI-PBA, PMI-SP. Có riêng một nhóm chứng chỉ dành cho Agile.
Chiều sâu: Tức là các mức độ phức tạp trong quản lý dự án, ở nhiều quy mô ngày càng cao. Có chứng chỉ thuộc chuỗi này (thường được gọi là 3P) theo thứ tự tăng dần: PMP (quản lý dự án) 🡪 PgMP (quản lý chương trình) 🡪 PfMP (quản lý danh mục).
Trên thế giới có rất ít người có được cả 3 chứng chỉ này, con số đó ở Việt Nam lại càng khiêm tốn, tính đến đầu năm 2023 mới có khoảng 10 người, bởi hai chứng chỉ PgMP và PfMP rất khó và phức tạp. Bởi vậy, trở thành nữ quản lý dự đầu tiên tại Việt Nam có 3P là một trong những thành quả lớn nhất của mình trong vài năm qua, cũng trở thành bước đệm cho mình với vất nhiều chuyển biến tích cực trong sự nghiệp.
PMI yêu cầu ứng viên trải qua 1 – 2 vòng đánh giá hồ sơ trước khi được làm bài dự thi, tùy từng chứng chỉ. Ứng viên cần đến các trung tâm được ủy quyền để thi dưới sự giám sát chặt chẽ.
Có một số chứng chỉ ứng viên được thi tại nhà, nhưng có sự giám sát online qua camera kèm các yêu cầu chi tiết như: đóng cửa, không để bất cứ vật dụng nào trên bàn, không rời khuôn mặt khỏi camera trong suốt quá trình làm bài… để đảm bảo không có gian lận.
2 – CHỨNG CHỈ CỦA SCRUM.ORG
Scrum.org chia hệ thống chứng chỉ thành ba nhóm chính:
Nhóm dành cho Scrum Master (một vị trí trung tâm trong nhóm Agile, có nhiều điểm tương đồng với một quản lý dự án): PSM I, PSM II, PSM III theo thứ tự tăng dần về độ khó.
Nhóm dành cho PO (quản lý sản phẩm – Product owner): PSPO I, II, III theo thứ tự tăng dần về độ khó.
Nhóm dành cho các vị trí khác: Developer (PSD), Agile leadership (PAL)…
Tổ chức này tập trung vào tư tưởng quản lý dự án kiểu Agile, với các mô hình/phương thức quản lý tương ứng, có chứng chỉ về chủ đề này dành riêng cho các vị trí trong dự án, chủ yếu tập trung vào dự án phần mềm, công nghệ.
Hầu hết các chứng chỉ không cần qua vòng đánh giá hồ sơ, ứng viên thi online trên máy tính và không có giám sát của camera.
3 – CHỨNG CHỈ CỦA SCRUM ALLIANCE
Cũng giống như Scrum.org, tổ chức này tập trung vào các chứng chỉ xoay quanh tư tưởng Agile dành cho các vị trí trong dự án phần mềm, công nghệ.
Chứng chỉ phổ biến nhất của Scrum Alliance là CSM (Certified Scrum Master), dành cho người làm ở vị trí Scrum Master hoặc người trong dự án muốn tìm hiểu về cách làm Agile chuẩn.
Điểm khác biệt là các ứng viên cần theo học một khóa học tương ứng của tổ chức này trước khi có thể làm bài thi. Điểm này khác biệt với Scrum.org hoặc PMI, khi ứng viên không bắt buộc phải học khóa học nà đó mà có thể tự học và đăng ký thi miễn đủ điều kiện về kinh nghiệm.
Yêu cầu này của Scrum Alliance khiến chi phí để thi “đội” lên rất cao, trong khi kiến thức và mức độ uy tín lại không thật sự tương xứng. Vì thế, hiếm khi có các cá nhân lựa chọn chứng chỉ này, thường do các công ty tổ chức thành từng nhóm để tiết kiệm chi phí.
4 – SO SÁNH BA HỆ THỐNG CHỨNG CHỈ
Điểm khác biệt giữa 3 tổ chức cấp chứng chỉ này như sau:
Mức độ uy tín: Trong số 3 tổ chức, PMI là tổ chức có hệ thống chứng chỉ được đánh giá cao nhất trên toàn thế giới, có nhiều người thi nhất, và các chứng chỉ của PMI xuất hiện nhiều nhất trong yêu cầu công việc của vị trí quản lý dự án trong các trang tuyển dụng. Hai đơn vị còn lại có mức độ uy tín tương đối ngang bằng.
Chi phí: Mỗi chứng chỉ của PMI tiêu tốn khoảng 500 đô tới 900 đô, tính cả phí thành viên. Scrum.org tập trung vào Agile, cách tổ chức thi không phức tạp, chi phí khá thấp (khoảng 150 đô). Scrum Alliance cũng tập trung vào Agile nhưng cần học khóa bắt buộc, chi phí cao (khoảng 500 đô tới 2000 đô) nên các công ty thường tổ chức thành từng nhóm để tiết kiệm chi phí.
Độ khó của kiến thức: Tùy từng chứng chỉ sẽ có độ khó khác nhau. Nhưng cùng một khía cạnh chuyên môn, kiến thức của PMI thường khó hơn.
Như vậy, một cách tổng quát, PMI là đơn vị có hệ thống chứng chỉ rộng nhất, phù hợp với nhiều ngành nghề, và có cách tổ chức thi chặt chẽ, vì thế cũng được đánh giá cao nhất trên thị trường lao động, thường xuất hiện nhiều nhất trong yêu cầu công việc của vị trí quản lý dự án trong các trang tuyển dụng.
Tuy vậy, việc thi PMI có chi phí không hề rẻ, lượng kiến thức nhiều và phức tạp đòi hỏi sự tập trung trong khoảng thời gian dài. Do đó, nếu bạn chưa sẵn sàng về tài chính, Scrum.org là sự lựa chọn thay thế khá tốt. Mình không khuyến khích bạn theo đuổi các chứng chỉ của Scrum Alliance do chi phí cao, cũng không được đánh giá tốt từ góc nhìn của nhà tuyển dụng.
TẠM KẾT:
Hy vọng bài viết này đã mang tới cho bạn cái nhìn tổng quát về những chứng chỉ quan trọng và phổ biến nhất với nghề quản lý dự án. Tùy mục tiêu công việc, điều kiện kinh tế và thời gian, bạn có thể chọn cho mình một trong ba hệ thống đó để trau dồi kinh nghiệm cùng chứng chỉ quốc tế được công nhận, làm nền tảng cho quá trình phát triển sự nghiệp của mình.
Chúc bạn sẽ có những lựa chọn phù hợp với bản thân!
Tố Uyên.
Hãy bấm Subscribe để nhận được bài viết mỗi tuần của Uyên gửi vào email của bạn nhé!