“Chữa lành”, có lẽ là một trong những từ khóa phổ biến nhất hiện nay trên nhiều nền tảng: sách, podcast, youtube, facebook, instagram… Khoảng vài ba năm gần đây, mọi người (đặc biệt ở những người trẻ, và nhất là sau dịch covid) đột ngột dành sự quan tâm lớn đến chủ đề chữa lành. Mình cũng đã từng đọc, từng viết, từng nghĩ và trao đổi về chủ đề này với nhiều người, mình nhận ra một số khía cạnh của “chữa lành” chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo. Vì sao chúng ta nên và cần “chữa lành”? Làm cách nào để chữa lành hiệu quả nhất? Và sau chữa lành… là gì? Không lẽ cứ mãi kiếm tìm tài liệu để đọc, nghe, xem về chữa lành ngày này qua tháng khác? Chúng ta, nên làm sao với những vết thương lòng?
Tất cả những câu hỏi đó sẽ được chia sẻ, phân tích trong bài viết này – một bài viết mình nghĩ có thể mang tới nhiều tranh luận.
1 – NÊN NHÌN THẬT SÂU VÀO VẾT THƯƠNG CỦA CHÚNG TA.
Mỗi người có một câu chuyện cuộc đời của riêng mình. Có người may mắn được sinh ra trong hoàn cảnh thuận lợi: gia đình khá giả, cha mẹ chăm sóc thương yêu, sức khỏe lành lặn; cũng có người phải chịu những thiệt thòi từ khi còn nhỏ, lớn lên trong nghèo khó, gia đình tan vỡ, hoặc họ gặp phải những bất hạnh không tưởng tượng nổi…
Không những vậy, trên hành trình trưởng thành, có quá nhiều vết thương hằn sâu trong lòng ta. Đó là cách đối xử không nhân văn của gia đình, nhà trường, làng xóm; là sự phản bội, xúc phạm trong tình yêu; là những chèn ép, lừa dối trong công việc…
Những vết thương như thế này ai cũng gặp phải dù có hoàn cảnh xuất thân và hành trình cuộc sống khác nhau. Nhưng chỉ đến những năm gần đây, mình mới thấy nhiều người trẻ bắt đầu quan tâm đến sức khỏe tinh thần, nhìn nhận về những điều đã trải qua, những vết thương trong quá khứ tác động đến tính cách, tâm lý, và cách ứng xử trong hiện tại. Và từ đó, cụm từ “chữa lành” xuất hiện nhiều hơn. Chúng ta tìm cách tự chữa lành vết thương trong tâm hồn khi hiểu rằng bản thân có nhiều nỗi đau, thậm chí chưa thể liền sẹo dù đã qua rất nhiều năm. Chúng ta, bắt đầu ý thức được tâm trí mình có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi những gì đã trải qua trong quá khứ nhiều đến thế nào.
Có điều, chỉ thấy mình đã bị tổn thương là không đủ. Để có thể thực sự “chữa lành”, mình nghĩ chúng ta cần tìm hiểu sâu hơn về những vết thương lòng đó mặc dù xới lại một vết sẹo luôn là điều không dễ chịu. Tất nhiên, điều gì đã qua, có thể quên được ta không cần nghĩ lại. Nhưng điều gì đó vẫn khiến mình đau đáu đến tận bây giờ, vẫn bất giác buồn, đau khổ, tự ti, sợ hãi, thì rất cần quay lại nhìn sâu vào nó. Giống như một vết thương sâu bên trong, chỉ lau sơ qua rồi băng bó lại sẽ không bao giờ lành được. Dù vô cùng đau đớn, ta vẫn phải đối diện với chính mình, rạch nó ra, làm sạch cho đến tận cùng. Chỉ có như thế, mới hy vọng không bao giờ còn đau đớn nữa, để thứ vết thương để lại sẽ thực sự chỉ là một cái sẹo, không còn là nỗi đau nhức nhối từ năm này qua năm khác.
Hầu hết tổn thương của mỗi người đều đến từ những mối quan hệ, có thể là cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, bạn bè, đồng nghiệp, và… chính mình. Một cuốn sách, đã giúp mình thực sự nhìn sâu vào những tổn thương trong lòng mình, mổ xẻ về nó, dẫu đau đớn như là rạch lại một vết sẹo tưởng đã lành nhưng thực ra còn rất đau ở bên trong. Đó là cuốn Giới hạn cho chính bạn (Henry Cloud & John Townsend). Mình đã đọc, đã ghi lại vô vàn cảm xúc của mình trong từng trang sách, bởi đó là một hành trình nhìn lại cả cuộc đời mình, tất cả những mối quan hệ gây tổn thương từ đó. Một cuốn sách lấy cảm hứng và dẫn chứng từ một số sự kiện trong Kinh Thánh, nhưng nếu như bạn giống mình, vốn không hiểu biết về Kinh Thánh, vẫn có thể “cảm” được những gì tác giả viết. Mình tin, “Giới hạn cho chính mình” sẽ khiến bạn tìm được cách tự chữa lành những tổn thương bên trong đến tận cùng.
2 – NHƯNG, ĐỪNG MÃI NGHĨ VỀ MÌNH NHƯ MỘT NẠN NHÂN.
Thương tổn chúng ta phải chịu là có thật. Nỗi buồn, sự tự ti, đau khổ chất chứa trong lòng ta là chính đáng. Nhưng, nếu cứ đọc, nghe, xem mãi những nội dung chữa lành để tìm kiếm sự an ủi, để nghe ai đó mãi vỗ về “bạn không làm gì sai, bạn là nạn nhân, bạn có quyền đau khổ…”, ta sẽ đi về đâu?
Trong một bộ phim cổ trang mình từng xem có tên “The moon embracing the sun” (Mặt trăng ôm mặt trời), nhân vật nữ chính (lúc nhỏ) từng nói với nam chính khi cậu bé đổ lỗi cho người khác: “Vì sao cứ mãi oán trời trách người?”.
Ở nhiều khía cạnh, đúng là chúng ta đã bị người khác làm tổn thương. Nhưng nếu cứ mãi tìm kiếm nguồn an ủi để khẳng định điều đó, khẳng định rằng ta không có lỗi, ta chỉ là nạn nhân, thì cuối cùng ta được gì? Lâu dần, tâm lý nạn nhân sẽ khiến chúng ta mất đi động lực, không còn niềm tin mình có khả năng làm chủ cuộc đời mình. Dẫu biết rằng cuộc sống có nhiều bất ngờ và những khi “lực bất tòng tâm”; nhưng cũng có rất nhiều cơ hội để ta có thể làm và giành cho mình “quyền tự quyết”.
Trong bóng đá, khi một đội bóng vẫn còn có khả năng tự đưa mình vào vòng trong nếu thắng ở tỷ số nào đó trong trận cuối, bình luận viên thường dùng câu: “Họ vẫn có quyền tự quyết về số phận của mình”. Ngược lại, trường hợp dù có thắng rất đậm, vẫn phải chờ kết quả trận khác, sẽ được nói: “Họ không còn quyền tự quyết, chỉ có thể cố gắng hết sức và chờ đợi kết quả ở những trận đấu khác”.
Trong cuộc đời mình, dù chúng ta đang ở trường hợp nào, có quyền tự quyết hoàn toàn hay phải trông đợi vào người khác, thì điều ta nên làm, cần làm, vẫn luôn là cố gắng hết mình. Vì thế, đừng dành tất cả thời gian rảnh rỗi, thậm chí không làm việc, học tập, chỉ để tìm kiếm sự an ủi từ ai đó rằng “bạn không có lỗi, bạn chỉ là nạn nhân”. Bởi ngay cả khi điều đó là sự thật, nó cũng là chuyện quá khứ không thể thay đổi. Hãy quan tâm đến thương tổn đó, vỗ về chính mình, nhưng nếu bạn cứ mãi chìm đắm vào những “liều thuốc giảm đau”, sẽ chẳng thể thoát ra được để có một thể chất và tâm hồn mạnh khỏe. Chỉ khi có tư duy tích cực, cơ thể khỏe lên, ta mới có khiến những vết sẹo cũ nhỏ lại, và giành lấy quyền tự quyết về mình.
3 – SAU CHỮA LÀNH, LÀ GÌ?
Vậy chúng ta học được gì qua mỗi lần đớn đau, chữa lành, và rồi vết thương thành sẹo?
YÊU
Yêu – có lẽ một trong những cảm xúc cổ xưa nhất của loài người, chẳng thế mà nó luôn xuất hiện trong văn chương, âm nhạc, và lịch sử qua hàng nghìn năm. Tuy vậy, không phải ai cũng biết thể hiện tình yêu đúng cách. Chẳng phải, bao nhiêu tổn thương tâm lý đều được ngụy trang bằng tình yêu đó sao? Tình yêu, mối qua hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa những đôi tình nhân, cặp vợ chồng…
Nếu đã từng đau khổ, tổn thương vì tình yêu, xin bạn đừng vô tình hoặc cố ý tạo nên những tổn thương như thế cho người khác nữa. Rất dễ để nói mình rất yêu một ai đó, nhưng mấy ai biết yêu đúng cách, yêu như thế nào để không mang lại nỗi đau cho người được mình yêu thương?
Hơn hết, chúng ta có lẽ cần học cách yêu thương người quan trọng nhất, xứng đáng để được yêu nhất: Chính mình.
HỌC
Học – đó là con đường tiếp cận tri thức, kinh nghiệm của nhiều người khác từ cổ chí kim. Càng hiểu biết nhiều, ta càng có cái nhìn rộng mở hơn về cuộc sống. Hơn nữa, học tập là một trong những con đường tốt nhất giúp ta cải thiện cuộc sống, có được điều kiện sống tốt hơn, và trở thành chỗ dựa vững chắc hơn cho gia đình, cha mẹ, con cái, và chính mình.
Rất nhiều tổn thương gây ra bởi thiếu thốn tiền bạc, thiếu hiểu biết, không có động lực vươn lên. Những điều này có thể được cải thiện rất nhiều bằng con đường giáo dục. Cứ mãi đau khổ vì bị người thân đánh đập, hoặc thầy cô bạn bè chê bai đâu có giải quyết được gì? Ta có thể trưởng thành, đọc nhiều hiểu rộng, có công việc và sự nghiệp vững vàng để tự làm “bờ vai” cho chính mình và người khác, nỗi đau khổ ấy rồi sẽ vơi đi, hoặc ít nhất, cũng ít đau hơn nhiều thay vì cứ ngồi bó gối buồn bã.
Cuộc đời chỉ đổi thay khi ta hành động. Dẫu ta không thể lựa chọn gia đình mình, cha mẹ, hay nơi mình sinh ra… và rất nhiều điều khác trong quá khứ, nhưng ta vẫn có quyền quyết định cách mình sẽ học tập, tu dưỡng ở hiện tại, và hướng tới tương lai. Đó, chính là sức mạnh của quyền tự quyết.
SỐNG
Mỗi người chúng ta, không chỉ sống cho riêng mình. Những gì ta làm, nói, hành động đều ảnh hưởng rất nhiều đến những người xung quanh. Đó là người thân, con cái, bạn bè, đồng nghiệp… Nếu đã từng tổn thương, xin đừng lặp lại những gì mình đã phải chịu lên người khác. Đôi khi chỉ vì vô thức, những gì ta đã trải qua ăn sâu vào tâm trí đến nỗi mỗi khi gặp vào hoàn cảnh tương tự, ta lại hành động không khác gì người đã gây ra tổn thương cho mình trước đây.
Hãy cố gắng “cắt đứt” chuỗi tổn thương ấy, đừng để lặp lại nhất là với con cái mình. Hầu hết những nỗi đau khổ, hằn sâu nhất trong lòng đến từ lúc ta còn rất trẻ. Như một cây non, mỗi vết dao, mỗi trận gió, đều để lại hậu quả tới mãi sau này. Không giống như khi đã trưởng thành, dù sóng gió, vấp váp nhiều hơn, ta thường không bị “cắt” quá sâu thành những vết sẹo khó lành như vậy.
Vì thế, cách ta sống trong hiện tại, nhất định phải khác cách những người đã từng đối xử tệ với ta trước đây. Thật chẳng nghĩa lý gì, khi giờ đây ta lại trút những đau khổ mình từng gánh chịu lên những người xung quanh.
-----
Đây là một bài viết có phần khác biệt của mình, chất chứa rất nhiều suy nghĩ, cảm xúc, và quan điểm về hai chữ “chữa lành”. Một bài viết có thể mang tới nhiều tranh luận. Điều mình muốn nói ở đây là, chúng ta đều có những vết thương, và ảnh hưởng của nó đến cả cuộc đời là có thật. Hãy cứ đối diện với chính mình, nhìn sâu vào những nỗi đau đó để tìm ra cách chữa lành phù hợp. Nhưng chúng ta cũng không nên mắc kẹt ở tâm lý nạn nhân. Điều cần làm và nên làm, là tiếp tục tiến về phía trước, trao cho mình cơ hội tự quyết định về cuộc đời mình, và trở thành người tốt hơn, với cách ứng xử đẹp hơn; và, khác với cách ứng xử của những người từng khiến ta phải chịu tổn thương.
Cầu mong tất cả chúng ta đều có được sự an yên trong tâm hồn!
Thân mến,
Tố Uyên.