LÀM SAO ĐỂ GIAO TIẾP TIẾNG ANH TỐT VỚI XUẤT PHÁT ĐIỂM “I’M FINE, THANK YOU?”
(Bài viết hoàn toàn đến từ trải nghiệm thực tế của tôi trong một năm, từ tháng 9/2020 đến tháng 9/2021, đều đặn 5 buổi/tuần lúc 5h30 - 6h sáng).
1 - CHẶNG ĐƯỜNG TÔI ĐÃ ĐI QUA VỚI TIẾNG ANH.
Tiếng Anh! Tiếng Anh! Tiếng Anh!
Đó là nỗi lo lắng, ám ảnh, thậm chí sợ hãi của tôi khi đang học đại học và bắt đầu đi làm, chính “nó” đã khiến tôi rất nhiều lần gặp trắc trở trong công việc nhiều năm sau này…
Tôi bắt đầu học tiếng Anh vào năm lớp 6. Ngày ấy, cả trường mấy chục lớp chỉ có 2-3 cô giáo tiếng Anh, nên mỗi tuần chúng tôi chỉ được học 1 - 2 tiết. Ấy là trường cấp 2 của tôi đã là trường “tiến bộ”, thuộc hàng “chất lượng cao” ở huyện rồi. Nói một cách thành thực là, nếu so sánh cách phát âm của cô giáo tôi với những video tiếng Anh bản ngữ có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng Internet bây giờ, quả là “một trời một vực”. Dĩ nhiên tôi hiểu, các cô đã cố gắng hết sức, dành rất nhiều tâm huyết cho học trò rồi. Nhưng sự chênh lệch về trình độ dạy và học ngoại ngữ giữa thành phố và nông thôn, lại còn là một huyện nông nghiệp vùng sâu vùng xa là một điều hiển nhiên. Dù vậy, cô giáo tôi hát tiếng Anh rất hay, tôi nhớ mãi lần cô đứng trên bục giảng và cất lên hát câu đầu tiên của bài “My heart will go on”, tôi đã… choáng ngợp.
Nhưng… đó cũng là tất cả những gì đọng lại với tôi suốt hành trình 4 năm học tiếng Anh ở cấp 2. Còn gì nữa nhỉ? À, còn bài hội thoại “kinh điển” trong sách:
- Hello Mary, how are you?
- I’m fine, thank you. And you?
- I'm fine, too.
…
Từ xuất phát điểm ấy (mà tôi tin là rất giống với xuất phát điểm của nhiều bạn đọc In Metime), tôi bước qua thời phổ thông, đại học, rồi đi làm. Tôi biết tiếng Anh rất quan trọng, cũng “mò mẫm” tìm trung tâm để học thêm, rồi thi Toeic khi công ty yêu cầu, tăng dần từ 500 điểm, tới 660 điểm, rồi 815 điểm... Tôi đọc được tài liệu tiếng Anh, viết email ngắn với những từ thông dụng, thỉnh thoảng phải nói chuyện với đối tác nước ngoài một chút thì kết hợp tiếng Anh “bồi” với khua khoắng tay chân làm điệu bộ giải thích. Và tôi thấy, thế cũng ổn.
Cho tới khi thực sự phải độc lập làm việc với đối tác người Mỹ, trao đổi hàng ngày, thậm chí mỗi ngày vài cuộc họp, tôi như rơi thẳng vào một KHÔNG GIAN TỐI TĂM ĐẦY HOẢNG LOẠN. Họ không quan tâm trình độ nghe nói của tôi đến đâu, mặc định tôi hẳn là một “công dân toàn cầu”, nghe nói tiếng Anh là điều hiển nhiên. Họ “bắn” tiếng anh như cái máy, với ngữ điệu từ khắp nơi trên thế giới: Mỹ, Anh, Úc, thậm chí cả Ấn Độ, Thái Lan. Tôi không thể giao tiếp được đủ trôi chảy đúng với vai trò quản lý của mình. Kết quả, vừa sợ hãi, vừa xấu hổ, tôi… nghỉ việc, đi tìm nơi khác cần ít tiếng Anh hơn.
Ấy thế mà, vài năm sau, khi đã tự rèn luyện để tiếng Anh của mình đủ để vượt xa “I’m fine, thank you” nhiều, cũng không còn bỏ chạy khỏi một công việc nào vì sợ tiếng Anh nữa, lại là lúc tôi va phải một đỉnh núi khác khi bắt đầu học MBA.
Một trong những lý do tôi chọn học một chương trình MBA của đại học nước ngoài, 100% bằng tiếng Anh và giảng viên từ nước ngoài sang Việt Nam dạy, là vì tôi muốn “ép” bản thân phải nghe nói thành thạo hơn nữa; nhưng sự thực là tiếng Anh ở chương trình thạc sĩ này đã trở thành áp lực khủng khiếp đối với tôi.
Dù đã ôn và thi đạt Ielts 6.5 để đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ vào học, nhưng khi học rồi tôi thấy hoang mang vô cùng, vì các anh chị học cùng, hầu hết là quản lý cấp cao, nói tiếng Anh ở một trình độ hơn tôi nhiều lần. Tôi cảm thấy họ có thể nói bằng tiếng Anh hoàn toàn thoải mái, về “những vấn đề phức tạp một cách dễ hiểu”, trong khi tôi cũng có rất nhiều thông tin và ý tưởng trong đầu lại không thể nói ra được. Tôi sợ và ngại.
Tôi đã đọc rất nhiều sách, blog, youtube về những lời khuyên để nghe nói thành thạo tiếng Anh, từ nghe chép chính tả, tìm lớp luyện giao tiếp, tạo nhóm luyện tập cùng nhau… Nhưng chỉ tới khi biết đến và đăng ký học trên nền tảng Cambly với giáo viên bản ngữ, tiếng Anh nói của tôi mới THỰC SỰ LỘT XÁC, có thể nhận rõ sự khác biệt sau 5-6 tháng. Tôi học Cambly tổng cộng một năm, từ 2020 và dừng lại cuối năm 2021, nhưng nhờ đó, tôi đã hoàn thành MBA, tự tin chuyển việc sang bộ phận làm việc hoàn toàn với nước ngoài; không chỉ trao đổi công việc mà còn thuyết trình, đàm phán 1:1 bằng tiếng Anh.
Hành trình cải thiện kỹ năng tiếng Anh của tôi diễn ra mỗi ngày, nhưng những gì đã đi qua với “nó” đã mang đến cho tôi nhiều bài học hơn bất kỳ một thử thách học tập nào khác.
2 – ĐIỀU QUAN TRỌNG HƠN CÂU HỎI “HỌC NHƯ THẾ NÀO?”
Việc học tiếng Anh, vốn có thể rất đơn giản với nhiều người khác nhưng với bản thân tôi lại rất nhọc nhằn; tôi thường nghĩ tới ba chữ: Mindset – Principle – Activity (Tư tưởng – Nguyên tắc – Hoạt động).
Tôi tin rằng, để học được hiệu quả, tôi cần có tư tưởng đúng về tiếng Anh đối với bản thân mình, sau đó tìm kiếm những nguyên tắc cơ bản định hướng cho toàn bộ quá trình, cuối cùng mới là lựa chọn các cách thức, các hoạt động cụ thể. Tôi nhận thấy nhiều người học tiếng Anh thường bỏ qua “Mindset – tư tưởng”, thậm chí bỏ qua luôn cả “Principle – nguyên tắc”, mà đi thẳng tới “Activity – hoạt động” bằng cách tìm kiếm các lời khuyên cụ thể “làm thế nào?”. Kết quả là tải về rất nhiều tài liệu, lên kế hoạch và quyết tâm “hoành tráng”, nhưng có thể sẽ trở nên chán nản chỉ sau vài ngày.
Mindset – Tư tưởng.
Qua nhiều năm, tôi rút ra ba quan điểm cá nhân về việc học tiếng Anh:
Thứ nhất, đối với tôi, tiếng Anh là công cụ quan trọng. Tiếng Anh tốt hẳn sẽ đem lại cho tôi có những cơ hội tốt hơn trong công việc về thu nhập và vị trí, giúp tôi lo cho cuộc sống gia đình và đủ tự tin để đồng hành cùng con trong việc học ngoại ngữ.
Thứ hai, tuy quan trọng như vậy, nhưng đó là một loại kiến thức, kỹ năng, chứ không định nghĩa về con người tôi. Dù có những thời điểm tiếng Anh của tôi chưa tốt, phát âm còn nhiều sai sót, tôi cũng không cho rằng điều đó đồng nghĩa với việc bản thân mình kém cỏi, lười biếng, không thông minh, hay tin rằng mình sẽ không bao giờ cải thiện được. Tôi nghĩ, dù xuất phát điểm tiếng Anh của mình có thấp, cứ kiên trì tiến lên từng bước một. Điều tốt nhất tôi có thể làm là không nuối tiếc quá khứ, không đổ lỗi cho hoàn cảnh, cũng không quá hoảng hốt về tương lai. Đang đứng ở đâu thì cứ tiến lên ở đó, điều này đúng với nhiều hành trình khác của tôi trong cuộc sống, không chỉ trong việc học tiếng Anh.
Thứ ba và quan trọng nhất, tôi tin rằng, chỉ cần có quyết tâm và lựa chọn được phương pháp phù hợp, dù khó mấy chúng ta cũng có thể học được. Với tiếng Anh, đúng là nếu được học “chuẩn” ngay từ nhỏ là sự thuận lợi lớn. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa khi đã lớn hơn, trưởng thành rồi lại không thể học. Tôi nhận ra, để học điều gì đó quan trọng là bỏ đi định kiến về bản thân - những giới hạn khiến chúng ta tự kìm chân chính mình.
“Cho dù bạn nghĩ rằng bạn có thể hay không thể, bạn đều đúng cả.” (Henry Ford).
Tôi tin vào điều này, và đó là kim chỉ nam cho rất nhiều quyết định dấn thân của tôi.
Principle – Nguyên tắc.
Những nguyên tắc này tạo nền tảng cho tôi lựa chọn được cách sắp xếp việc học, lựa chọn cách học, và vượt qua những trở ngại của cuộc sống khi thực hiện kế hoạch học tập của mình:
Thứ nhất, học tập là quyền của cá nhân, suốt đời. Tôi luôn tin, mình không bao giờ buộc phải dừng lại bất cứ ý muốn học tập nào chỉ bởi vì đã có gia đình, đã có con nhỏ, hoặc do áp lực cần phải dồn 100% thời gian và tâm huyết cho gia đình. Vì thế, tôi không cảm thấy “tội lỗi” khi dành thời gian để học.
Thứ hai: Ít hơn là nhiều hơn. Trên Internet và ở các trung tâm có quá nhiều tài liệu, phương pháp, và các gợi ý cách học dành cho tiếng Anh. Nhưng tôi nhận thấy, để có thể thực hiện được đều đặn và lâu dài, chúng ta nên lựa chọn cách nào đơn giản, dễ làm, chọn một vài cuốn sách và chỉ áp dụng đồng thời số ít phương pháp. Thậm chí, tốt nhất là chỉ chọn một hoạt động/phương pháp học tại mỗi thời điểm để có được sự tập trung.
Thứ ba: Mọi thứ tốt đẹp đều cần thời gian. Theo tôi, với tiếng Anh, mỗi ngày đều nên học. Nhưng đồng thời cũng cần cho mình thời gian, ít nhất là nửa năm, một năm trước khi đánh giá lại. Không nên nóng vội nhìn thấy kết quả ngay, bởi điều đó có thể mang đến sự thất vọng và nản chí trước khi đạt được thành tựu thực sự.
Activity – Hoạt động.
Như tôi đã chia sẻ, phương pháp làm tôi lột xác về tiếng Anh nghe nói là Cambly – công cụ học giao tiếp tiếng Anh đã giúp tôi cải thiện từ trình độ “lỡ cỡ” đến nay có thể làm việc trực tiếp, trôi chảy với khách hàng nước ngoài, thậm chí thuyết trình đàm phán, và học xong một chương trình vừa học thuật vừa nhiều thực tế như MBA.
Cambly là một nền tảng học online với giáo viên bản ngữ, giáo viên chủ yếu ở Mỹ, Anh, Úc… Nền tảng này cho phép học viên tùy chọn giáo viên và khung giờ học, tần suất học. Tôi lựa chọn gói học 5 buổi/tuần, mỗi buổi 30 phút, trong một năm. Giáo viên không chỉ là người bản ngữ mà hầu hết đều có bằng cấp giảng dạy, và kinh nghiệm làm việc với học viên nước ngoài. Để không bị ảnh hưởng bởi công việc và việc gia đình, tôi lựa chọn giờ học vào 5h30 sáng hàng ngày.
Một năm liên tục dậy từ 5h30 sáng để học 30’ mỗi ngày, đó là điều duy nhất tôi làm để học tiếng Anh khi đó. Tôi không biết tôi đã tiến bộ lúc nào, cần mẫn dậy sớm mỗi ngày học cùng giáo viên qua máy tính với niềm tin rằng, rồi khả năng giao tiếp tiếng Anh của mình sẽ tiến bộ; sẽ không còn bối rối không thể nói lên điều mình nghĩ khi học MBA và làm việc với đối tác nước ngoài.
Mọi thứ tiến triển rất chậm, tới mức gần như không nhận ra. Nhưng sau khoảng nửa năm, khi có một cuộc trao đổi dài hơn một giờ đồng hồ với đối tác về vấn đề chuyên môn, tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng quả thực, tiếng Anh nghe và nói của tôi đã thay đổi thật nhiều.
3 – MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ CAMBLY.
Tôi đã từng trải qua nhiều trung tâm dạy tiếng Anh, và áp dụng những cách được hướng dẫn trên Internet suốt nhiều năm qua. Nhưng với riêng kỹ năng giao tiếp, tôi chỉ tiến bộ mạnh mẽ nhất sau một năm kiên trì với Cambly. Tôi đã ghi lại những thông tin cơ bản về nền tảng này, hy vọng sẽ là kênh tham khảo hữu ích với bạn đọc In Metime.
Riêng phần này tôi sẽ trình bày theo cấu trúc câu hỏi – câu trả lời để các ý được mạch lạc và rõ ràng hơn.
Câu hỏi 1: Trước khi tìm hiểu và đăng ký Cambly (hay bất kỳ công cụ, nền tảng, tài liệu học tiếng Anh nào khác), người học nên làm gì?
Trên Internet và thị trường dạy tiếng Anh, có vô vàn các lựa chọn. Nhưng để lựa chọn được công cụ, phương pháp phù hợp, điều đầu tiên tôi nghĩ mình nên làm lại rất “cá nhân”, không liên quan đến các lựa chọn này. Đó là: Xác định trình độ HIỆN TẠI của bản thân, và MỤC TIÊU muốn đạt được.
Một số câu hỏi tôi đặt ra cho mình:
- Trình độ tiếng Anh của tôi đang ở mức nào? Về ngữ pháp, từ vựng, đọc, viết, nghe, nói.
- Mục tiêu của tôi là gì? Có thể để sử dụng trong công việc, hiểu bài của con để học cùng con, thi được chứng chỉ Toeic/Ielts, phỏng vấn được bằng tiếng Anh để tìm công việc khác…
- Tôi mong muốn đạt được mục tiêu đó sau bao lâu? 6 tháng, một năm, hai năm…
- Mỗi ngày tôi dành được bao nhiêu thời gian cho tiếng Anh?
- Tôi có thể dành bao nhiêu tiền một tháng cho tiếng Anh? Có một lưu ý ở đây: thực tế, câu trả lời cho câu hỏi này HOÀN TOÀN CÓ THỂ LÀ 0 ĐỒNG vì trên Internet có nhiều tài nguyên hỗ trợ việc học tiếng Anh hầu hết là miễn phí.
Câu hỏi 2: Cambly dành cho người ở trình độ nào?
Cá nhân tôi thấy Cambly mặc dù hiệu quả nhất với người đã có tiếng Anh cơ bản, tức là biết về ngữ pháp, có vốn từ nhất định, nhưng vẫn có thể áp dụng tốt với người ở trình độ thấp hơn hoặc cao hơn. Giáo viên sẽ có đánh giá về trình độ của học viên qua buổi trò chuyện đầu tiên để có lộ trình phù hợp cho hành trình sau đó. Điều tôi thích nhất khi học qua Cambly có lẽ là cảm giác được tôn trọng và không bị phán xét từ giáo viên, giúp tôi tự tin nói ra điều tôi đang nghĩ mà đôi khi rất lộn xộn và nhiều lỗi sai.
Câu hỏi 3: Cambly có tài liệu để học theo không?
Có, và rất phong phú, thú vị, hấp dẫn. Các tài liệu này được soạn theo từng trình độ, phù hợp với mỗi mục đích khác nhau của người học. Ví dụ: Có bộ riêng cho ôn Ielts từ trình độ thấp lên cao, hoặc tài liệu giúp luyện kỹ năng giao tiếp, hoặc các bài báo ngắn để luyện đọc với độ khó dễ theo từng trình độ.
Câu hỏi 4: Có nền tảng nào tương tự Cambly nữa không?
Có, ít nhất là tôi biết có ứng dụng Engoo khá giống với Cambly. Thỉnh thoảng, cô giáo của tôi sử dụng bài đọc của Engoo làm tài liệu học cho tôi.
Câu hỏi 5: Cambly có phải một ứng dụng vượt trội hơn các cách học tiếng Anh khác không?
Đúng và không đúng.
Cambly có một số ưu điểm: Giao tiếp với người bản ngữ, thời gian học linh động tùy học viên sắp xếp lựa chọn, có thể thay đổi giáo viên để tìm người phù hợp.
Nhưng thực tế là những ưu điểm này hoàn toàn có thể được cung cấp bởi các tài nguyên và công cụ miễn phí trên Internet: Các kênh Youtube dạy tiếng Anh, Ted talk, các trang nghe chép chính tả theo từng trình độ, các hội nhóm tự lập để cùng nhau rèn luyện. Do đó, nếu học viên không sẵn sàng về tài chính đều có thể tìm được nhiều tài nguyên thay thế.
Cá nhân tôi chọn Cambly vì khi đó công việc của tôi rất bận, ngoài ra còn theo học MBA và việc gia đình, nên tôi cần một phương pháp học đơn giản, không mất thời gian tìm kiếm, dễ áp dụng theo lịch mỗi ngày, và học được vào sáng sớm để không ảnh hưởng các hoạt động khác.
Câu hỏi 6: Đăng ký học Cambly như thế nào và ở đâu?
Tôi đăng ký trực tiếp tại trang web chính thức của ứng dụng: https://www.cambly.com
Đôi khi, trên một số hội nhóm có những người rao bán tài khoản Cambly với số phút học rẻ, nhưng tôi nghĩ học viên cần rất cẩn thận với loại hình này, vì rất có thể đó là các tài khoản ảo. Do Cambly có chính sách thưởng số phút cho người giới thiệu, nên có những người lập ra rất nhiều tài khoản, tự giới thiệu qua lại các tài khoản để lấy số phút thưởng rồi bán lại. Nếu học viên mua các tài khoản chỉ có số phút thưởng này, việc học sẽ rất bất tiện và không an toàn.
Câu hỏi 7: Giáo viên Cambly là những ai?
Giáo viên Cambly là người bản ngữ, tức là các nước nói tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ, hầu hết là người Mỹ, Canada, Anh, có một số ít ở Nam Phi, gần đây có cả Philippin nhưng ít hơn. Nhiều giáo viên hiện đang đi du lịch hoặc làm việc ở các nước khác, điều này chúng ta cũng nên lưu ý để tìm người có múi giờ phù hợp với lịch học của mình.
Hầu hết giáo viên có chứng chỉ đào tạo về giảng dạy tiếng Anh. Nhiều người còn có nền tảng về các ngành nghề khác trước khi chuyển sang dạy tiếng Anh: chứng khoán, tài chính, giáo dục…
Câu hỏi 8: Làm sao để chọn được giáo viên phù hợp?
Tôi thường đọc rất kỹ mục giới thiệu thông tin giáo viên: Người nước nào, đã dạy bao lâu, hiện đang sống ở đâu. Mỗi giáo viên có một video ngắn giới thiệu bản thân, đoạn video này giúp học viên xác định đó có phải âm điệu mà mình muốn được giao tiếp không.
Tôi nhận thấy, việc giáo viên có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh hay không cũng là một điều đáng lưu ý, tuy không hẳn tất cả các trường hợp đều là người có chứng chỉ sẽ dạy tốt, không có chứng chỉ dạy không tốt. Điều quan trọng là cách dạy của giáo viên phù hợp với trình độ của học viên, chúng ta có thấy thoải mái khi trò chuyện với giáo viên đó không? Bên cạnh đó, phản hồi của những người học khác về giáo viên cũng là một kênh tham khảo hữu ích.
Theo kinh nghiệm của tôi, học viên nên tìm giáo viên có lịch dạy đều đặn, và mở cho đăng ký trước ít nhất 2 tuần. Bởi vì hầu hết những người này có công việc chính là giảng dạy trên Cambly, họ thường có lịch cố định. Ngược lại, có một số giáo viên dạy rất ít và chỉ mở lịch cho học viên đặt trước 2-3 ngày. Việc tìm được giáo viên có khung giờ phù hợp, đăng ký trước nhiều ngày giúp tôi tiết kiệm thời gian và chủ động hơn trong việc học.
Câu hỏi 9: Người học nên làm gì để sử dụng Cambly hiệu quả?
Theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta cần chú ý vào đặt lịch sớm, ngay khi giáo viên mở lịch, để đảm bảo chọn được khung giờ phù hợp. Bạn nên đặt vào khung giờ nào đó bản thân chủ động được việc học, ít bị ảnh hưởng bởi những việc phát sinh. Tôi thường học vào sáng sớm vì buổi tối tôi thường có việc đột xuất, bận rộn việc gia đình, hoặc do đã quá mệt sau một ngày dài nên học không hiệu quả.
Bạn nên dành một số buổi đầu học thử nhiều người để tìm ra 2-3 giáo viên phù hợp với mình. Không nên chỉ học một giáo viên, sẽ rất rủi ro nếu giáo viên đó có việc đột xuất không dạy được vào khung giờ bạn chọn.
Số phút học, số buổi học của mỗi tuần cần sử dụng hết trong tuần đó, không được cộng dồn sang tuần sau. Vì thế, chúng ta nên đặt lịch và học đầy đủ để tránh lãng phí số phút học này.
Câu hỏi 10: Cambly có lưu lại video bài học không?
Có. Ngay khi bài học kết thúc, phần lịch sử học tập sẽ có ngay video của cuộc trò chuyện, bạn có thể xem lại để thấy đã nói như thế nào, cần sửa ở đâu, hoặc chỉ đơn giản là giữ làm kỷ niệm, nhìn lại sau một thời gian dài học tập mình đã tiến bộ như thế nào.
Câu hỏi 11: Cambly dành cho trẻ em khác thế nào với trang Cambly bình thường?
Cambly có trang riêng dành cho trẻ em với một số khác biệt so với trang bình thường: https://www.cambly.com/kids
Ở trang này, lịch học nhiều nhất là 3 buổi/tuần thay vì 5 buổi/tuần như trang dành cho người lớn. Hầu hết giáo viên đều có chứng chỉ đào tạo về giảng dạy tiếng Anh và tâm lý trẻ em.
***
THAY LỜI KẾT
Đó là những kinh nghiệm tôi đã đúc kết được sau quãng đường dài học tập để nâng cao trình độ giao tiếp tiếng Anh, đặc biệt là khả năng nói. Thú thực, tôi cũng không biết mình đã tiến bộ lúc nào, nhưng tôi biết chắc, việc cần mẫn học mỗi ngày một chút là chìa khóa giúp tôi vượt lên khó khăn của một người có xuất phát điểm thấp về tiếng Anh. Trong hành trình đó, học Cambly là bước ngoặt đưa khả năng giao tiếp của tôi sang một trang mới, sau một năm với hàng trăm buổi học lúc 5h30 sáng, dù mùa hè hay mùa đông. Nhưng như tôi đã nhấn mạnh, đây chỉ là một trong số rất nhiều phương pháp, tài nguyên để học tiếng Anh, là một công cụ mà thôi. Điều quan trọng nhất vẫn là mục tiêu, thói quen, và nỗ lực của người học.
Thực lòng, tôi biết trình độ tiếng Anh của tôi là rất bình thường so với với nhiều người khác, nhưng với bản thân, tôi hiểu mình đã rất vất vả đến thế nào mới được như hôm nay. Chưa xuất sắc, và tất nhiên là không hoàn hảo, nhưng đó là thành quả sau rất nhiều năm tôi mày mò tự học trong hoàn cảnh không có nhiều thuận lợi.
Tôi hy vọng bài viết này hữu ích cho bạn, nếu bạn cũng như tôi – bắt đầu bằng “I’m fine, thank you” và phải đối mặt với nhiều trở ngại về ngoại ngữ trong công việc và cuộc sống khi trưởng thành.
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.