Năm 2022 là một năm thật đặc biệt, một năm có nhiều thay đổi đối với tôi: Tốt nghiệp chương trình thạc sỹ MBA, chinh phục chứng chỉ cuối cùng trong bộ ba chứng chỉ cao nhất về quản lý dự án và trở thành nữ PM (project manager – quản lý dự án) đầu tiên tại Việt Nam làm được điều này. Cũng là năm tôi bắt đầu đưa những bài viết cá nhân “ra ánh sáng” bằng việc bắt tay vào xây dựng blog In Metime.
Tôi của năm 2022 có nhiều sự khởi đầu trong công việc chuyên môn, cuộc sống và những dự án cá nhân. Có rất nhiều lý do để tạo nên những thay đổi ấy nhưng một điều không thể phủ nhận được là ảnh hưởng từ những cuốn sách tôi đã đọc vô cùng quan trọng. Trong bài viết này, tôi chia sẻ với bạn về ba cuốn sách đặc biệt đó - ba cuốn đã tạo ảnh hưởng sâu sắc, làm thay đổi tư duy, và trở thành động lực để tôi đưa ra những quyết định của mình.
Tôi không có ý định viết bài review sách, tôi chỉ muốn chia sẻ nội dung chính, cảm nhận của tôi và những bài học lớn nhất tôi có được từ ba cuốn sách “gối đầu giường” trong năm qua.
1. AI CHỨ KHÔNG PHẢI THẾ NÀO (Dan Sullivan & Benjamin Hardy)
“Who not How – Ai chứ không phải thế nào” viết về một tư duy xuyên suốt, đó là việc thay đổi câu hỏi của chúng ta mỗi khi đối mặt với một vấn đề cần giải quyết. Thay vì tự hỏi: “Làm thế nào để giải quyết việc này”, câu hỏi đúng, hiệu quả và thiết thực hơn sẽ là: “Ai có thể giúp tôi giải quyết việc này?”.
Tác giả sử dụng nhiều ví dụ thực tế từ những doanh nhân, người thành công, người có tầm ảnh hưởng trên thế giới làm dẫn chứng, khiến cuốn sách trở nên gần gũi, chân thực, có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ. Một sự thực rất thú vị là ngay cả việc viết cuốn sách này cũng minh họa cho tư duy “Who not how”, khi chính Benjamin Hardy mới là người thực sự viết toàn bộ nội dung sách dựa trên ý tưởng của chuyên gia đào tạo lãnh đạo Dan Sullivan.
Một người bạn nói về “Who not how”, và tôi đã đọc liên tục trong ba buổi tối, tôi thực sự bị cuốn hút bởi có quá nhiều điều khiến tôi ngỡ ngàng mà trước đây tôi không hề nghĩ đến.
Từ trước đến nay tôi bị “đóng đinh” với niềm tin rằng nỗ lực, “đổ mồ hôi sôi nước mắt” cực nhọc là những cái giá bắt buộc phải trả để đạt được điều gì đó. Bởi vậy, khi cần làm việc gì, phản xạ của tôi là tìm hiểu và mày mò để tự làm. Cuốn sách này đã “bật sáng” nhiều góc từng ăn sâu bén rễ trong tư duy của tôi. Trước đây, tôi đã không hiểu rằng “bằng cách tự làm mọi thứ, bạn sẽ bỏ lỡ sự tăng trưởng không thể lường trước được. Bạn đầu tư vào các Who, sử dụng thời gian và nỗ lực của mình vào các hoạt động có tác động cao hơn”.
Tôi thực sự ngạc nhiên
khi đọc đến câu: “Bạn không thể có được sự tự do về tiền bạc cho đến khi bạn đạt được sự tự do về thời gian”. Điều này hoàn toàn ngược lại với niềm tin vốn có của tôi. Muốn tự do về tiền, thì phải được tự do về thời gian. Lâu nay tôi vẫn cho rằng, việc duy nhất nên làm là tập trung vào việc kiếm tiền, với hy vọng một ngày nào đó khi đã tự do về tiền, sẽ có tự do về thời gian. Tôi thường xuyên dùng thời gian của mình để đánh đổi lấy tiền mà không suy tính giữa giá trị thời gian của chính mình với những gì nhận được.
Nếu chỉ được chọn một câu trích dẫn hay nhất, quan trọng nhất, có thể tóm lược toàn bộ nội dung từ cuốn sách, tôi chọn câu:
“Khi bạn truyền đạt những gì bạn muốn với thế giới, tầm nhìn của bạn sẽ được hình thành và giống như một chiếc ô tô mà bạn có thể dễ dàng phát hiện giữa hàng trăm chiếc xe, bạn sẽ có thể tìm thấy người Who hỗ trợ phù hợp. Thật vậy, những người phù hợp sẽ tìm thấy bạn”.
2. NGƯỜI DÁM CHO ĐI (Bob Burg và John David Mann)
Mỗi lần đọc lại, tôi thấy mình phát hiện ra thêm nhiều điều thú vị. Sách viết về hành trình một chàng thanh niên học đều đặn mỗi tuần với mong muốn thay đổi thực tại. Trong khi cậu rất nóng lòng muốn trở thành một người bán hàng xuất sắc, thầy giáo lại chỉ cho cậu những hành động đơn giản, dường như không liên quan tới việc bán hàng, và yêu cầu cậu thực hiện ngay lập tức… Một cuốn sách mỏng, câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng khiến tôi nghiền ngẫm nhiều ngày.
Kể từ sau khi đọc cuốn sách “Nhà giả kim”, tôi mới bắt gặp một câu chuyện ngắn gọn, súc tích, hấp dẫn, lại hàm chứa nhiều triết lý và bài học như cuốn “Người dám cho đi” này.
Bài học đầu tiên đến bởi một từ quan trọng trong tiêu đề: từ “dám” – dám cho đi. Vì sao “cho đi” lại cần nhiều dũng khí tới như vậy? Thực ra, bài học về sự cho đi tôi từng gặp đâu đó, trong những cuốn sách, video, bài nói chuyện. Ai cũng hiểu “cho đi” là làm một việc tốt, nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, nó chỉ dừng ở mức độ là làm việc thiện giúp người, để lại chút ơn đức cho cuộc đời. Thậm chí khi cho đi, có lẽ trong lòng đã ít nhiều thầm nghĩ về sự báo đáp.
Khi đọc cuốn sách, bài học đầu tiên của tôi chính là ở từ “dám”, rằng cho đi thực sự cần hiểu biết, cần cho đúng chỗ, đúng đối tượng, với sự nhiệt thành không tính toán. Nếu làm điều tốt cho ai đó mà trong lòng đã nghĩ đến khả năng người đó liệu có nhớ ơn báo đáp giúp đỡ mình trong tương lai không, thì sự cho đi ấy chỉ thuần túy là một cuộc trao đổi đầy toan tính. Trước đây tôi từng nghe có người nói câu này khi đưa tay giúp đỡ người khác: “Đời còn dài, giúp được gì thì giúp, biết đâu sau này lại phải nhờ anh ấy/chị ấy”. Đọc “Người dám cho đi” tôi hiểu rằng, sự cho đi đúng nghĩa là không nghĩ đến chiều ngược lại. Cứ hết lòng chia sẻ, giúp đỡ, rồi sự đáp đền sẽ đến từ đâu đó không ai đoán trước được, mà thực ra, cũng không cần đoán để làm gì.
Bài học thứ hai, giải đáp cho câu hỏi vẫn lấn cấn trong lòng tôi từ rất lâu về “quy mô” của sự giúp đỡ. Tôi luôn muốn giúp đỡ các bạn trẻ về kinh nghiệm phấn đấu trong ngành công nghệ bởi tôi từng gặp rất nhiều trắc trở và khó khăn khi tìm kiếm người dẫn dắt. Thực tế tôi cũng đã trao đổi, huấn luyện trực tiếp cho một số bạn. Nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy đó chưa phải cách làm đúng, đó không phải quy mô mà tôi muốn; và kết quả không tương xứng với công sức cũng như kỳ vọng của tôi.
Đây chính là đáp án: “Quy luật bù đắp - Thu nhập của bạn được quyết định bởi số người bạn phục vụ và cung cách bạn phục vụ họ”. Hãy khoan nghĩ đến thu nhập là tiền, chỉ bàn đến thu nhập ở cảm giác thỏa mãn, xứng đáng của bản thân về những gì đã giúp đỡ được người khác, quy luật này chính là kim chỉ nam mà tôi đang tìm kiếm. Tôi cần mở rộng phạm vi ảnh hưởng và số lượng người phục vụ. Nghĩa là cùng công sức và thời gian như thế, thay vì tôi chỉ ngồi riêng được với một bạn, thì tôi có thể truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức của tôi tới thật nhiều người.
Những bài viết trên blog In Metime chính là kết quả của suy nghĩ này, tôi mong muốn đem kinh nghiệm và những bài học mình có được trên hành trình gây dựng sự nghiệp ra giúp đỡ nhiều bạn trẻ đang gặp khó khăn như tôi đã từng.
Bài học sâu sắc thứ ba mà tôi nhận được là: “Quy luật sống thật - Món quà quý nhất bạn có thể cho người khác chính là bản thân bạn”. Khi bắt đầu manh nha kế hoạch xây dựng các kênh nội dung, tôi chưa biết sẽ viết gì, bởi những bài học giá trị nhất về cuộc sống đã có rồi, rất nhiều người giỏi giang hơn tôi đã nói về nó. Vậy tôi sẽ viết gì? Làm sao để người đọc chú ý đến tôi giữa vô vàn những người làm sáng tạo nội dung khác mà (tôi cho rằng) đều giỏi và thú vị hơn tôi nhiều?
Cho tới khi đọc cuốn sách này, tôi đã có thể khẳng định rằng: Điều đặc biệt nhất, thú vị nhất, gần gũi nhất, chắc chắn nhất mà tôi có thể dành cho cộng đồng của tôi, chính là bản thân tôi. Câu chuyện cuộc đời tôi, trải nghiệm riêng mà tôi có, con đường sự nghiệp đặc biệt mà tôi đã trải qua, là những điều thu hút nhất và có ích nhất cho độc giả. Tôi vốn nghĩ mình là một người bình thường, cuộc đời tôi không có gì đặc biệt để đưa vào trang viết. Nhưng giờ đây tôi không còn nghĩ như vậy nữa. Tôi cũng đã có những tháng ngày đầy nỗ lực, mạnh mẽ bước qua nhiều biến cố, tôi từng vượt lên khó khăn bầm dập. Tôi có quyền tự hào về những gì mình đã làm được, và hoàn toàn tự tin để mang những điều ấy đến cho độc giả. Biết đâu ở ngoài kia có ai đó đang rơi vào tình cảnh ít nhiều giống tôi, họ sẽ tìm được một chút đồng cảm, động viên, một vài gợi ý, để vượt qua và bước tiếp.
Đây là một cuốn sách đáng giá mà tôi tin rằng dù đã đọc hết một lượt, tôi mới chỉ cảm nhận được một phần nhỏ bé mà thôi. Trong hành trình sắp tới của mình, tôi sẽ còn trở lại với cuốn sách nhỏ này nhiều lần, bởi vì một điều đơn giản, hành trình ấy chính là con đường trở thành “người dám cho đi” mà tôi đã lựa chọn. Tôi có dám không? Tôi từng không, nhưng bây giờ là có, chắc chắn có!
Rồi một ngày nào đó, ở đâu đó trên hành trình này, khi nhìn lại, tôi tin mình sẽ tự hào vì những gì tôi đã cho đi, cái cách tôi cho đi. Sự cho đi của tôi có thể đã động viên, tiếp thêm sức lực cho những ai đó đang cần... Quan trọng hơn, tôi hiểu rằng, sống vì những điều lớn hơn sẽ khiến tôi sẽ không bao giờ phải nuối tiếc.
3. 7 CHIẾN LƯỢC THỊNH VƯỢNG VÀ HẠNH PHÚC (Jim Rohn)
Tác giả Jim Rohn đã khiến tôi ngỡ ngàng ngay từ khi đọc những dòng đầu tiên: “Thiết lập mục tiêu là lúc bạn đang đi những bước đầu tiên tiến về phía phát triển kiểu cuộc đời mà bạn luôn mơ ước nhưng lại không bao giờ tin rằng nó sẽ xảy đến…”. Ồ! Đó chính là tôi. Tôi có nhiều ước mơ, nhưng hầu hết đều rất mơ hồ. Không phải vì tôi không thể làm cho nó rõ ràng hơn, mà bởi tôi không dám. Tôi vẫn luôn không tin rằng tôi sẽ đạt được. Tôi để mọi ước mơ ngoài tầm với, không dám kéo lại gần mà xem cho thật rõ. Hóa ra, giới hạn mà tôi tự đặt ra cho bản thân lại nhiều đến vậy.
Tác giả còn nói một cách đầy thú vị về thiết lập mục tiêu: “Lý do thực sự của việc thiết lập mục tiêu là để thu hút bạn trở thành người có đủ các phẩm chất cần thiết để hoàn thành chúng. Khi một ai đó đã trở thành triệu phú, điều ít ý nghĩa nhất là những gì họ có. Điều quan trọng nhất là những gì họ đã trở thành”. Tôi đã từng nghĩ, ước gì có triệu đô rơi xuống đầu theo một vận may nào đó, và tôi trở thành triệu phú. Nhất định tôi sẽ gìn giữ, đầu tư, làm cho tiền sinh sôi. Nhưng thật ra, nếu có tiền rơi xuống cho tôi vào lúc ấy, tôi cũng chẳng giữ được, và cuộc đời tôi không thay đổi vì : “Thu nhập hiếm khi vượt ngoài sự phát triển cá nhân”.
Điều thứ ba tôi thấy ấn tượng trong cuốn sách, là gợi ý của tác giả về sự sáng tạo, về cơ hội: “Bạn cần một ý tưởng lớn để thay đổi cuộc đời tôi? Hiếm khi ý tưởng đó xuất hiện từ hư không. Nhưng nếu bạn kiên trì tìm kiếm kiến thức mà tôi cần, ý tưởng đúng sẽ xuất hiện trên con đường bạn đi, thường là vào lúc bạn ít ngờ nhất”. Tôi thấy mình tương đồng với quan điểm này; chỉ có điều tôi chưa thực sự có cách thức phù hợp để ghi lại đúng lúc tất cả những ý tưởng vụt qua đầu. Tôi không tin rằng chỉ trông chờ vào cảm hứng - thứ thỉnh thoảng mới có - là cách tốt nhất để mang thành công đến. Ngược lại, tôi tin vào sự rèn luyện kỹ năng hàng ngày, dù đó là kỹ năng viết, kỹ năng sáng tạo hay kỹ năng quản lý .
Ba bài học quý tôi có được từ cuốn sách:
Thứ nhất, nếu ngay từ đầu đã không thể cho phép bản thân mình mơ ước, niềm tin sẽ không tới, và hiển nhiên không bao giờ chạm tới được ước mơ. Những việc cần làm và những may mắn cần gặp để đạt được mơ ước có rất nhiều, nhưng nếu chính tôi không dám nghĩ tới, thì ngay cánh cửa đầu tiên đã không thể mở ra.
Thứ hai, mỗi ngày là một mảnh ghép, nếu ta chỉ nhìn vào một ngày, một tháng sẽ không nhận ra nhiều ý nghĩa, nhưng nếu ghép đúng, và đi theo một tầm nhìn rõ ràng, thì bức tranh tổng thể sẽ là một tuyệt tác. Mỗi ngày của tôi chỉ là một mạnh nhỏ, không có hình thù rõ ràng, những vệt màu này có vẻ không theo quy luật; nhưng với định hướng rõ ràng và kiên trì, sau rất nhiều ngày, tôi sẽ có được bức tranh như ý.
Thứ ba, đừng cân nhắc quá kỹ với những khoản tiền nhỏ, nhất là để bạn đổi lại chất lượng cuộc sống. Bởi điều đó có thể hình thành, nuôi dưỡng cả một phong cách và thái độ với cuộc sống của bạn.
THAY LỜI KẾT
Hy vọng bạn sẽ thích những chia sẻ trên đây về ba cuốn sách quan trọng nhất tôi đã đọc trong năm 2022. Tôi viết bài này bởi muốn ghi lại những suy nghĩ và xúc cảm của mình. Tôi thấy mình thật hạnh phúc nếu bạn tìm thấy sự đồng cảm và thú vị với bất kỳ dòng trích dẫn, suy nghĩ, hay ý tưởng nào ở đây.
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.
* Một số bài viết cùng chủ đề: