Trước tiên, tôi phải tự nhận mình là một “mọt phim” chính hiệu. Tôi không giới hạn sở thích trong thể loại phim hay quốc gia nào; cả phim bộ trên TV và phim chiếu rạp… Suốt hàng chục năm, sau khi “cày” vô số bộ phim dài ngắn khác nhau, có rất nhiều phim, nhiều diễn viên, nhiều tình huống, câu thoại khiến tôi ấn tượng và ghi nhớ. Nhưng nếu được hỏi về ba bộ phim hay nhất, thú vị nhất, thậm chí có ảnh hưởng tới suy nghĩ, quan niệm và cuộc sống của tôi, đó sẽ là:
- Phim Letter to Juliet – Thư gửi Juliet (2010), Mỹ.
- Phim Nàng Dae Jang Geum (2003), Hàn Quốc.
- Loạt phim Harry Potter (từ 2001 tới 2011), Anh.
Tôi sẽ chuyện trò, chia sẻ, và kể với bạn suy nghĩ của tôi, và những bài học tôi có được sau hơn một thập kỷ “cày đi cày lại” ba bộ phim đó trong bài viết này.
1. THƯ GỬI JULIET (2010)
- Tóm tắt phim:
Phim lấy bối cảnh ở Verona, một thành phố miền Bắc nước Ý, nổi tiếng với câu chuyện tình Romeo và Juliet. Ở đó có một địa điểm nổi tiếng, được gọi là “nhà của Juliet”, hàng trăm năm nay các cô gái đã cài những bức thư trên khoảng tường nhuốm màu thời gian để chia sẻ về tình yêu của mình (phần lớn là những trắc trở) với nàng Juliet – biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu.
Cô gái người Mỹ tên là Sophie, làm ở một tòa soạn, chuyên tìm kiếm và xác thực nhân vật cho các bài báo. Tuy vậy, mong ước cháy bỏng của cô là viết ra những tác phẩm văn học thực sự. Cô đến Verona cùng người yêu trong chuyến du lịch được gọi là “trăng mật trước lễ cưới”. Nhưng người yêu cô – một bếp trưởng say mê nghề nghiệp. Anh chỉ mải mê khám phá những vườn nho, những cuộc đấu giá rượu, những hầm pho mát thượng hạng... Và, vô tình “bỏ quên” người yêu ở Verona nhiều ngày.
Ở Verona, Sophie giúp đỡ nhóm phụ nữ thay mặt Juliet viết thư trả lời những cô gái đã cài thư lên bức tường, cô tìm thấy ở đây một lá thư cũ kỹ, được viết năm mươi năm trước. Cô gái trẻ ngày đó, bây giờ đã là một người phụ nữ lớn tuổi, tóc bạc trắng. Sau khi nhận thư của Sophie, bà ngay lập tức đến Verona cùng cháu trai của mình, mong tìm lại chàng trai thuở thiếu thời để được nói một câu xin lỗi, bù đắp những tiếc nuối thời thanh xuân.
Trải qua hành trình tìm kiếm rất dài cùng hai bà cháu người phụ nữ ấy, Sophie bắt đầu có những rung cảm với cháu trai bà. Mặc dù vậy, cô quyết định chôn giấu tình cảm đó của mình và quay trở về Mỹ. Cho tới một ngày, cô nhận được tấm thiệp cưới của người phụ nữ tóc bạc với “chàng trai” năm ấy, giờ cũng đã trở thành một người đàn ông 70 tuổi, kèm bức thư chính cô đã viết cho bà ở đầu câu chuyện.
Phút giây đọc lại lá thư do chính tay mình viết, Sophie bỗng chốc nhận ra tình yêu, sự đồng điệu trong tâm hồn có ý nghĩa lớn đến chừng nào, và cái giá phải trả sẽ là suốt đời nuối tiếc nếu không nghe theo tiếng gọi của trái tim. Cuối cùng, cô đã dũng cảm lựa chọn, theo đuổi tình yêu mình vốn thuộc về. Không những tìm thấy tình yêu đích thực, câu chuyện Sophie viết dựa trên chuyến hành trình này được đăng báo và trở nên nổi tiếng, lần đầu tiên cô được biết đến như một nhà văn.
- Điều tôi ấn tượng nhất:
Khung cảnh vừa nên thơ, vừa hùng vĩ, thấm đẫm lịch sử và sự lãng mạn của nước Ý khiến tôi say đắm. Tôi nhất định sẽ tới Verona một ngày nào đó. Đặc biệt, câu chuyện tình của hai nhân vật chính là biểu tượng về tình yêu trong lòng tôi. Ngay cả hiện tại, khi không còn trẻ như tuổi đôi mươi, tôi vẫn “đồng cảm” với tình yêu này, có chăng là sâu sắc hơn sau những trải nghiệm về tình yêu của chính mình.
Tôi nhớ nhất chi tiết vào ngày cuối cùng của cuộc tìm kiếm, trước khi chia tay, cả hai ngồi trên bãi cỏ, chàng trai nói: “Tôi giống như một đứa trẻ, gần hết ngày chủ nhật rồi nhưng vẫn nuối tiếc không muốn đi học”. Không hẹn mà gặp, họ đã cùng nhau đọc lên một khổ thơ:
“… Nghi ngờ những ngôi sao đang tỏa sáng
Nghi ngờ mặt trời đang di chuyển
Nghi ngờ sự thật là dối trá
Nhưng không bao giờ nghi ngờ tình yêu…”
(Hamlet, William Shakespeare).
- Bộ phim khiến tôi nghĩ gì và lựa chọn gì?
Từ lần đầu xem “Letter to Juliet”, tôi đã nghĩ, sau này mình nhất định sẽ cưới một ai đó có thể khiến mình có cảm giác “gần hết ngày chủ nhật nhưng vẫn nuối tiếc không muốn đi học”. Trải qua hơn mười năm hôn nhân, tới hôm nay, thật vui (và … rất nhiều may mắn) khi tôi có thể nói mình đã thực sự tìm được người đó. Dẫu không thể nói trước về tương lai, và chúng tôi đôi khi vẫn có những bất đồng, tranh luận nhưng tôi vẫn cảm thấy thoải mái nhất, được là chính mình nhất khi ở bên cạnh anh. Mỗi lần tạm xa nhau vì một trong hai người phải đi đâu đó, cảm xúc của tôi chính là nỗi tiếc nuối của một đứa trẻ khi đã gần hết ngày chủ nhật.
Một điều thú vị khác, khi làm việc với đối tác nước ngoài, do tên Uyên của tôi hơi khó đọc, dễ bị nhầm lẫn với những cái tên có vần gần giống, nên tôi đã lựa chọn một cái tên tiếng Anh. Bạn đoán được phải không? Đó là cái tên: Sophie. Ít ai biết rằng, tôi đã nghĩ đến cô gái này khi quyết định “đặt tên tiếng Anh” cho chính mình, bởi tôi muốn làm được như cô ấy: Dám yêu và tin vào tình yêu, dám viết và sống với mong ước viết ra những điều giá trị, dám từ bỏ những thứ không phải của mình và nắm giữ điều mình vốn thuộc về.
2. NÀNG DAE JANG GEUM (2003)
- Tóm tắt bộ phim:
“Nàng Dae Jang Geum”, hay còn có tên là “Báu vật hoàng cung” là bộ phim cổ trang dài tập của Hàn Quốc, từng đạt tỷ suất người xem thuộc hàng cao nhất lịch sử truyền hình xứ kim chi: 57% (theo Wikipedia).
Bộ phim kể về cuộc đời của cô bé mồ côi Jang Geum, là cung nữ ở hoàng cung Triều Tiên từ lúc 8 - 9 tuổi, cho tới khi trưởng thành, vượt qua nhiều sóng gió, thậm chí tù đày, để trở thành nữ ngự y (người chăm sóc sức khỏe cho nhà vua) đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc.
Cuộc đời Jang Geum dường như chưa có ngày nào bình yên. Cô bị bủa vây bởi những âm mưu, toan tính, tranh giành quyền lực chốn hoàng cung. Cô từng bị đuổi khỏi “gian bếp chính”, nơi cô làm cung nữ nấu ăn cho nhà vua và hoàng hậu. Cô từng bị mất vị giác, không thể cảm nhận mùi vị, đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục nấu ăn. Sau này cô còn bị vu tội phản nghịch, bị đày ra đảo, không hẹn ngày trở về…
Trưởng thành giữa những tăm tối và biến cố như vậy, nhưng Jang Geum luôn giữ được trọn vẹn sự trong sáng, thiện lương và niềm tin vào cuộc sống. Cô là hiện thân của câu nói “không bao giờ từ bỏ”. Khó khăn không làm cô lùi bước, không làm cô mất đi tình yêu của mình với công việc nấu ăn và cứu chữa người bệnh. Chính điều đó đã giữ cô không đi lạc khỏi kim chỉ nam của cuộc đời mình.
- Điều tôi ấn tượng nhất:
Jang Geum đang trong giai đoạn cung nữ được đào tạo, chuẩn bị dự thi để trở thành cung nữ chính thức thì cô mắc lỗi. Cô bị đuổi về một khu chuyên trồng rau phục vụ hoàng cung do vi phạm nội quy để giúp bạn. Ở đó, dù mọi người đều sống trong ủ ê, qua ngày, không hy vọng vào tương lai, cô gái vẫn chăm chỉ làm việc.
Một ngày, cô phát hiện ra mục tiêu của mình: trồng thành công cây đậu ván, một loại thực vật quý hiếm dùng làm thuốc mà Triều Tiên khi đó phải mua từ nước Minh (Trung Quốc) với giá đắt đỏ. Ai nấy đều ngạc nhiên hỏi cô vì sao lại hào hứng đến thế. Họ nhắc nhở cô: họ đã thử trồng nhiều lần rồi, không thành công được đâu, trồng đậu ván khó lắm. Cô cười rạng rỡ và trả lời: “Vì nó khó. Chẳng phải mọi người vừa bảo trồng đậu ván rất khó đó sao?”.
- Bộ phim khiến tôi nghĩ gì và lựa chọn gì?
Tôi là mẹ của hai con nhỏ; lại làm việc trong lĩnh vực công nghệ, vốn là một ngành khá vất vả với phụ nữ. và, trong sáu năm qua, tôi đã đồng thời đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc: tốt nghiệp loại giỏi chương trình thạc sỹ Executive MBA (Đại học Hawaii, Hoa Kỳ), trở thành nữ PM (project manager) đầu tiên chinh phục thành công ba chứng chỉ cao nhất về quản lý dự án.
Tôi thường gặp những câu hỏi: Sao học được nhiều như thế? Sao có thể sắp xếp thời gian? Sao lại chọn việc khó như vậy?
Có một lý do quan trọng đến từ chính bộ phim này, đó là tôi được truyền cảm hứng bởi nhân vật Dae Jang Geum, cô gái đã đứng giữa cánh đồng khô cằn tươi cười rạng rỡ: “Trồng cây đậu ván sẽ là mục tiêu của tôi. Vì nó khó. Chẳng phải mọi người vừa bảo trồng đậu ván rất khó đó sao?”.
Việc khó là việc ít người lựa chọn, nhưng tôi nghĩ đi theo số đông chưa hẳn đã tốt trong nhiều trường hợp. Dấn thân vào những thử thách khó khăn, chính là cơ hội để tự đẩy đường chân trời của mình ra xa hơn. Nếu chọn việc dễ để làm, tôi sẽ chắc chắn không thể có được những trải nghiệm và bài học quý giá.
3. HARRY POTTER (2001 - 2011)
- Tóm tắt bộ phim:
Tôi là fan hâm mộ từ mười mấy năm trước của bộ truyện Harry Potter nổi tiếng (tác giả J. K. Rowling). Bộ truyện gồm bảy phần, sau này được chuyển thể thành tám tập phim (tập 7 của truyện được sản xuất thành hai tập phim), kéo dài trong suốt mười năm, từ 2001 tới 2011. Mặc dù đạo diễn đã thay đổi một số chi tiết nhưng về cơ bản phim vẫn giữ đúng tinh thần trong nguyên tác.
Loạt phim kể về cậu bé phù thủy Harry Potter, mất cha mẹ trong trận chiến với chúa tể hắc ám khi cậu mới 1 tuổi. Mười năm sau, cậu được nhận vào Học viện pháp thuật Hogwart, nơi cậu kết thân với hai người bạn: Ron Weasley và Hermione Granger. Hành trình học hỏi, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng phe hắc ám của Harry từ lúc 11 tuổi tới 17 tuổi đã trở thành một phần tuổi thơ của nhiều bạn trẻ trên khắp thế giới, trong đó có tôi.
- Điều tôi ấn tượng nhất:
Tôi có thể chuyện trò với bạn hàng giờ liền về nhiều phân đoạn thú vị trong truyện và phim, nhưng điều tôi ấn tượng nhất có lẽ là cách mà Harry đứng dậy sau vấp ngã, sai lầm, bồng bột của tuổi trẻ. Ở cuối tập 5, Harry vì nóng vội, quá tự tin vào phán đoán của mình, đã rơi vào bẫy phục kích của phe hắc ám. Sai lầm này trở thành nguyên nhân gián tiếp dẫn tới cái chết của người cha đỡ đầu Sirius Black – người “đại diện cho rất nhiều thứ mà trước đó Harry chưa từng biết đến”: gia đình, tình yêu thương, sự quan tâm của một người cha.
Sau sai lầm ấy, Harry gần như phát điên vì đau khổ, mất mát, và tự trách mình. Một cậu bé 15 tuổi, tự tay góp phần đánh mất điều quý giá nhất đời mình, nỗi day dứt ấy làm sao để vượt qua?
Nhưng Harry quả thật không làm những độc giả trung thành như tôi thất vọng. Cậu đã nói rằng: “Thật khó mà tin được là chú ấy sẽ không viết thư cho con nữa… Nhưng con đã hiểu rằng, con không thể tự cô lập mình hay sụp đổ. Chú ấy đâu có muốn con như vậy, phải không? Và dù sao đi nữa, cuộc sống quá ngắn ngủi…”.
Sau này, chính nỗi đau đó đã trở thành động lực và bài học đắt giá của Harry, khiến cậu trở nên chín chắn, dũng cảm, và tỉnh táo hơn trong những hoàn cảnh ngặt nghèo của cuộc chiến. Tự trách mình, dằn vặt và tự cách ly bản thân khỏi thế giới sau sai lầm và thất bại là điều thường thấy. Nhưng Harry đã lựa chọn một cách khác: vượt lên nỗi đau, rút ra những bài học cho mình, và trở lại mạnh mẽ hơn.
- Bộ phim khiến tôi nghĩ gì và lựa chọn gì?
Năm 2019, tôi dành trọn một năm để ôn thi CFA (Chartered Financial Analyst) cấp độ 1, một chứng chỉ quốc tế liên quan tới phân tích tài chính trong các lĩnh vực: chứng khoán, đầu tư, quản lý rủi ro, ngân hàng và tài chính. Lúc ấy, tôi đang làm quản lý dự án công nghệ thông tin tại một công ty trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Với suy nghĩ “ngây thơ”, tôi cho rằng CFA sẽ giúp tôi hiểu biết nhiều hơn về ngành này.
Theo kế hoạch, tôi sẽ thi lần lượt cả 3 cấp độ của CFA. Trong đó, cấp độ 1 sẽ được chinh phục trong một năm. Suốt 12 tháng, tôi mất rất nhiều tiền để mua tài liệu, công cụ tính toán, lệ phí thi. Không những vậy, tôi không thể kể hết bao nhiêu thời gian mình đã đổ vào việc học, 2 tiếng từ 9 giờ tới 11 giờ đêm hầu như mỗi tối, và tất cả những ngày cuối tuần.
Kết quả, tôi trượt. Ngày nhận email báo điểm thi, tôi ngồi thụp xuống đất khi đang cầm trên tay đôi đũa nấu bếp. Không đỗ, nghĩa là tôi không thể tiếp tục kế hoạch với cấp độ 2 và 3 như dự định. Trên tất cả, cảm giác tiếc nuối trào lên trong lòng tôi. Công sức, thời gian, tiền bạc tôi đã bỏ ra trong suốt một năm coi như “đổ sông đổ bể”. Tôi không biết phải nghĩ gì, làm gì, lựa chọn gì sau thất bại này.
Khoảng hai tuần qua đi, tôi dần bình tĩnh lại. Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi quyết định từ bỏ CFA. Có lẽ nó không phù hợp với tôi, hay ít nhất là không phù hợp với công việc và hiểu biết hiện tại của tôi. Tôi không muốn tiếp tục tiêu tốn thời gian vào việc nuối tiếc, buồn chán, tự trách mình. Tôi nói với chồng mình: “Em sai rồi. Em sẽ dừng lại. Anh không được trách gì em đâu đấy, em tự trách mình hai tuần là đủ rồi”.
Thất bại, sai lầm, lựa chọn thiếu suy xét, là điều ai cũng gặp phải trong đời. Có thể không nghiêm trọng tới nỗi ảnh hưởng tới tính mạng con người như Harry Potter, cũng không phải tiêu tốn nguồn lực cho một mục tiêu mơ hồ như câu chuyện của tôi với CFA, nhưng tôi tin không ai trong số chúng ta chưa từng rơi vào hoàn cảnh tương tự, khi đó điều chúng ta muốn làm nhất và, dễ làm nhất là dằn vặt chính mình.
Bạn có thể buồn, nuối tiếc và trách cứ, nhưng một chút thôi, đừng lâu quá tới mức tổn hại tới sức khỏe, tinh thần, và niềm tin vào bản thân. Tôi luôn nghĩ, những gì xảy ra chính là điều nên xảy ra. Có rất nhiều thứ ta không thể kiểm soát, nhưng luôn có quyền lựa chọn cách phản ứng của mình trước những “biến cố” được cuộc đời mang đến.
Có một điều thú vị khác, đó là nhờ hâm mộ truyện và phim Harry Potter mà tôi đã tìm thấy khái niệm Metime – điều này đã thay đổi cuộc sống của tôi ba năm qua và chắc chắn sẽ là mãi mãi. Metime quan trọng với tôi đến nỗi tôi lấy nó làm tên cho chính blog của mình.
Những bộ phim luôn là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi, và tôi tin bạn cũng vậy. Một bộ phim hay ngoài chức năng giải trí còn có thể mang tới những cảm xúc tích cực, bài học quý giá, và làm phong phú thêm trải nghiệm của mỗi người.
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.
Nguồn ảnh: