Tôi lập gia đình khi vừa mới tốt nghiệp đại học, và là người đầu tiên trong các bạn cấp 3, đại học tạm biệt thời kỳ độc thân. Đứng trước cuộc sống mới, một trong những câu hỏi lớn nhất trong lòng tôi khi ấy xoay quanh vấn đề: quản lý tiền trong gia đình. Ai sẽ là người giữ tiền, chồng hay vợ? Nếu tôi phải lãnh trách nhiệm “tay hòm chìa khóa” thì phải làm thế nào? Tôi làm sao san sẻ được những nỗi lo về tài chính gia đình với chồng mình?
Tất cả những câu hỏi dồn dập ấy dội vào tâm tưởng của tôi; từ trước tới nay tôi chỉ biết một mô hình duy nhất trong vấn đề này, đó là: “quy về một mối”. Tất cả tiền đều chuyển về cho người vợ giữ và quản lý, cũng là người chịu trách nhiệm chi tiêu tất cả các khoản. Mọi người vẫn gọi đó là “tay hòm chìa khóa”. Nhưng, tôi không hề có sự chuẩn bị, cũng không mong muốn nắm giữ vai trò ấy trong gia đình. Tôi có cảm giác những “người trưởng thành thực sự” mới có thể làm được việc ấy, như mẹ tôi chẳng hạn. Còn tôi, vẫn còn “ngơ ngác” quá, sao có thể đảm trách những việc quan trọng như thế được? 🙄
Chẳng thế mà, ngay những tháng đầu sau khi cưới, đã vài lần chồng tôi đề nghị hai vợ chồng ngồi xuống trao đổi vấn đề này, tôi luôn thoái thác bằng những câu rất… trẻ con, như thể muốn chạy trốn khỏi nghĩa vụ phải “dính dáng” đến tiền nong này: “Thôi em chịu”, “Anh giữ hết tiền nhé được không?”, “Em không hiểu biết gì đâu, anh biết thì tự quyết hết đi” 🙉.
Rất tiếc là, chồng tôi không dễ dàng để tôi “trốn” được. Anh “túm” tôi lại, dùng mọi cách thuyết phục, từ dỗ dành tới phân tích thiệt hơn để tôi hiểu rằng đã là gia đình cần san sẻ với nhau trách nhiệm quản lý tiền. Biết không thể “thoát”, tôi miễn cưỡng gật đầu tham gia, nhưng kèm theo vô số điều kiện “Em chỉ cầm ít tiền thôi, đủ đi chợ”, hoặc “Hay em chỉ cầm lương của em, mấy khoản khác em không dính dáng nhé”. Có lẽ, phản ứng này của tôi nằm ngoài dự liệu của anh quá nhiều. Anh không ngờ mình lấy phải một cô vợ… “trốn” cả việc giữ tiền.
Ấy vậy mà, hơn mười năm qua, chúng tôi đã cùng nhau thử nghiệm qua hầu như tất cả các mô hình chia sẻ trách nhiệm quản lý tiền trong gia đình, từ xuất phát điểm “trốn chui trốn lủi” ấy của tôi!
Tới hôm nay, tôi có thể khẳng định rằng, mỗi mô hình đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Việc lựa chọn mô hình nào hoàn toàn phụ thuộc vào từng gia đình, không có mẫu số chung nào cho tất cả. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ về những mô hình phổ biến, và cách thức hiện tại vợ chồng tôi đang áp dụng cho việc quản lý tiền trong gia đình. Tôi không chắc mô hình đó có phù hợp với những gia đình khác không, nhưng chí ít, nó đã khiến tôi không còn muốn “chạy trốn” và… để lại cả “thế giới tài chính gia đình” cho chồng lo 😂.
1 – Ba hình thức phổ biến giữ tiền trong gia đình.
Số 1: Quy về một mối, vợ giữ “tay hòm chìa khóa”.
Đây chính là mô hình thường gặp nhất trong nhiều gia đình Việt Nam, cũng là lý do khiến tôi muốn “chạy trốn” bởi không tự tin và cũng không thích thú với việc giữ chìa khóa của cái “hòm” ấy. Tôi biết, có những người thực sự có khả năng và đã làm rất tốt vai trò này, mẹ tôi là một ví dụ. Tôi có cảm giác mẹ tôi nắm vững và thành thạo mọi quy tắc tiết kiệm, phân bổ chi tiêu, và thực hiện việc điều tiết nguồn tiền ra vào cực kỳ nhịp nhàng, giúp gia đình tôi luôn ở trạng thái tài chính khá tốt, hay ít nhất là cũng giữ nhịp cho chất lượng cuộc sống, mặc dù thực tế có những giai đoạn rất khó khăn về tiền.
Tôi nhận thấy, việc tập trung tiền về một mối có tác dụng lớn nhất là giúp chúng ta luôn có được cái nhìn tổng thể về tình hình tài chính gia đình và dễ dàng kiểm soát dòng tiền. Nhược điểm của nó là, nếu người giữ tiền (có thể là chồng hoặc vợ, phổ biến là người vợ ở các gia đình Việt Nam) không có hiểu biết về quản lý tài chính, có thể sẽ không có những quyết định sáng suốt và không điều phối tốt dòng tiền. Hơn nữa, người còn lại không giữ “tay hòm chìa khóa”, đôi khi có thể cảm thấy khó chịu vì không được quản lý tiền, hoặc đơn giản là không có cảm giác giữ tiền trong tay.
Số 2: Của ai người nấy giữ, chia nhau nghĩa vụ chi tiêu.
Đã từng có một giai đoạn gia đình tôi áp dụng mô hình này. Không phải bởi vì chúng tôi không tin tưởng nhau, mà bởi vì tôi (vâng, lại là tôi 🙈) thấy… ngại khi cầm tiền chồng làm ra. Khi đó, mỗi người trong chúng tôi tự quản lý thu nhập của mình và chia nhau các nghĩa vụ chi tiêu. Ví dụ, tôi sẽ lo tiền ăn uống sinh hoạt, chồng tôi lo tiền học phí của con và các khoản chi tiêu lớn.
Mô hình này có ưu điểm là mỗi người đều cảm thấy thoải mái vì được quản lý khoản tiền mình muốn. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là thiếu gắn kết về nghĩa vụ và trách nhiệm tài chính giữa hai vợ chồng. Hơn nữa, mô hình này khiến cả hai khó hình dung ra bức tranh toàn cảnh về thực trạng tiền bạc của gia đình, nguồn thu, khoản chi, dẫn tới khó khăn trong việc lên các kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư.
Số 3: Cùng giữ, cùng chi, cùng tiết kiệm và đầu tư.
Mô hình số 3 khá thú vị, ở một số sách còn được gọi bằng những cái tên như “mô hình bình thông nhau”, “mô hình đồng thuận”… Điều kiện để mô hình “cùng làm” phát huy được tác dụng đó là cả hai người cùng có kiến thức tốt về tài chính và thoải mái với việc công khai tất cả mọi khoản thu chi.
Phương pháp này có ưu điểm lớn nhất là sự minh bạch, dễ dàng điều phối dòng tiền và tạo ra sự gắn kết lớn giữa hai vợ chồng. Tuy vậy, rất khó để thực hiện nó trơn tru nếu một trong hai người không hiểu biết về quản lý tài chính, hoặc không thực sự minh bạch mọi khoản thu nhập và chi tiêu.
2 – Gia đình tôi: Quản lý tiền theo mô hình làm việc nhóm.
Sau nhiều thử nghiệm, vợ chồng tôi đã lựa chọn được một mô hình chúng tôi đều thấy là phù hợp. Đây là một tổ hợp chọn lọc từ tất cả các phương pháp đã nêu trên, lựa mỗi thứ một ít. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao để luôn xác định được tình hình tài chính của gia đình một cách rõ ràng và chia sẻ trách nhiệm giữa hai vợ chồng. Có lẽ vì có chút “ảnh hưởng nghề nghiệp”, hai vợ chồng tôi đã sắp xếp mô hình quản lý theo phong cách như một “hoạt động nhóm”, với ba quy tắc:
- Quy tắc phân công theo năng lực: Ai giỏi việc gì, làm việc ấy. Trong một đội nhóm, mỗi người chỉ làm việc hiệu quả nhất, hứng thú nhất, vui vẻ nhất nếu họ được nhận những công việc đúng với sở trường và mong muốn của mình. Trong hai người, tôi là người có tư duy bao quát và điều phối tốt hơn, nên các khoản thu nhập trong gia đình đều do tôi quản lý về tổng thể. Trong đó, bao gồm việc phân chia cả các khoản chi tiêu, bảo hiểm, tiết kiệm và đầu tư.
Ở phân cấp cụ thể hơn, các khoản tiền đi vào và đi ra khỏi tài khoản gia đình đều thông qua tôi quản lý, tức là tôi sẽ là người luôn nắm được tại mỗi thời điểm, tháng đó chúng tôi đã thu vào bao nhiêu, chi tiêu sinh hoạt gia đình bao nhiêu, tiết kiệm bao nhiêu. Các thông tin này nhiều khi chồng tôi không biết, cũng không để ý.
Riêng khoản đầu tư, tôi không quản lý chi tiết mà chỉ nắm con số tổng thể, bởi chồng tôi là người có kiến thức về đầu tư tốt hơn tôi, nên anh phụ trách việc sử dụng các khoản đầu tư, đưa vào các kênh để tạo ra lợi nhuận. Anh sẽ là người biết chính xác kênh nào đang có bao nhiêu tiền, tỷ suất lợi nhuận bao nhiêu, dự tính trong vài tháng tới sẽ thay đổi ra sao.
Sự phân công này là bước chuyển biến lớn nhất, cũng là điều sáng suốt nhất chúng tôi đã làm để duy trì việc quản lý tài chính gia đình ổn định trong những năm qua.
- Quy tắc đồng thuận: Đây là một điều cốt yếu cần xác định trước trong các đội nhóm. Hai vợ chồng tôi cũng vậy. Chúng tôi thống nhất với nhau các quy tắc, ví dụ như: Luôn trao đổi và bàn bạc trước các quyết định lớn về chi tiêu hoặc đầu tư (ví dụ như việc học MBA của tôi chẳng hạn); minh bạch hoàn toàn trong thu nhập và chi tiêu; nếu có bất đồng trong các quyết định tài chính, cần trao đổi tìm ra cách thức cả hai đều đồng ý, nếu không sẽ không thực hiện…
Các quy tắc đồng thuận này chính là “xương sống” để duy trì hoạt động hiệu quả của “đội nhóm đặc biệt” - hai vợ chồng tôi. Nhờ nó, chúng tôi cảm thấy yên tâm, thoải mái, và luôn tin tưởng quyết định đưa ra cả hai đều đồng ý là điều đúng đắn nhất.
- Quy tắc “vùng tự quyết”: Mặc dù có các quy tắc đồng thuận, nhưng nếu tất cả mọi khoản tiền đều phải đưa ra bàn bạc sẽ gây mất thời gian, đôi khi tạo cảm giác khó chịu cho cả hai người. Vì thế, chúng tôi đưa ra các “ngưỡng tự quyết” là giới hạn trong đó mỗi người có quyền tự quyết định về tiền mà không cần bàn bạc với người kia.
Chẳng hạn, tôi có toàn quyền chi tiêu sinh hoạt gia đình, quyền lựa chọn ngân hàng, kỳ hạn, và tỷ lệ phân bổ các khoản tiết kiệm; chồng tôi có toàn quyền lựa chọn kênh đầu tư, thời điểm và tỷ lệ phân bổ tài sản. Về thu nhập, mỗi người chúng tôi đều có quyền tự do sử dụng 20% thu nhập của mình mà không cần đưa vào “quỹ chung” gia đình…
Những “vùng tự quyết” này cho chúng tôi không gian và nguồn lực về tiền để có thể sử dụng, mua sắm, cất giữ, biếu tặng như chính mình mong muốn mà không làm ảnh hưởng tới tài chính chung, và người kia không cần biết chi tiết. Sự “tự do có giới hạn” này có ý nghĩa giải tỏa áp lực về nghĩa vụ, trách nhiệm cho cả hai người trong gia đình.
3 – Những bài học sau hơn 11 năm cùng quản lý tài chính trong gia đình.
Trong suốt hơn một thập kỷ qua, dù sử dụng mô hình nào trong quản lý tài chính gia đình, tôi cũng nhận ra chúng tôi đều trưởng thành lên rất nhiều, và học được những bài học quý để ngày càng làm tốt hơn phần việc của mình:
- Sự tôn trọng lẫn nhau là quan trọng nhất: Trong suốt quá trình chung sống, mỗi cặp vợ chồng chắc chắn gặp phải rất nhiều bất đồng, đặc biệt là các vấn đề tiền bạc. Đây là một khía cạnh nhạy cảm nhưng lại không thể “mắt nhắm mắt mở” bỏ qua được. Chỉ có sự thẳng thắn, đi kèm với tôn trọng mới có thể dẫn dắt chúng ta bước ra khỏi những bất đồng đó để tìm ra giải pháp phù hợp, mà không làm tổn thương mối quan hệ vợ chồng. Dù vậy, tôi phải thú nhận rằng, để đi đến bước “đồng thuận” như hôm nay, chúng tôi đã trải qua không ít… “trận chiến” ra trò 😅
- Sự thay đổi là tất yếu và thường xuyên phải đánh giá lại để điều chỉnh: Dù ở bất cứ quy mô nào, xã hội, công việc, gia đình, sự thay đổi là tất yếu và không ngừng xuất hiện. Một cách làm, một tỷ lệ phân bổ đầu tư, hoặc một cách tiết kiệm có thể không còn phù hợp nữa mặc dù từng là sự lựa chọn tốt nhất trong quá khứ. Vì thế, tôi nghĩ mỗi gia đình cần thường xuyên ngồi lại, đánh giá tình hình, và cùng nhau đưa ra những giải pháp điều chỉnh phù hợp.
- Có những mục tiêu sẽ không đạt được như mong muốn, nhưng quá trình vẫn là đáng giá: Thành thật mà nói, vợ chồng tôi có rất nhiều mục tiêu về tài chính chưa đạt được như kế hoạch. Có lúc chúng tôi cũng thấy hơi… nóng ruột và có phần thất vọng về điều đó. Nhưng bình tâm nhìn lại, chúng tôi đều phải thừa nhận với nhau rằng cả hai vợ chồng đều đã luôn cố gắng hết sức. Và việc chưa đạt được mục tiêu là hệ quả của nhiều lý do, trong đó có cả những vấn đề khách quan.
Điều quan trọng là, trải qua tất cả những khó khăn, thành công và những thành-công-bị-trì-hoãn đó, chúng tôi trở nên thành thạo hơn, hiểu nhau hơn, và rút ra cho mình nhiều bài học đáng giá để sau đó làm tốt hơn. Tôi nghĩ, đó là những thành quả có giá trị lâu dài hơn các con số.
Tôi của hiện tại, sau mười mấy năm lập gia đình, đã không còn là cô gái chỉ chực “bỏ chạy” mỗi khi chồng đề nghị ngồi lại bàn bạc chuyện tiền nong. Cuộc sống trưởng thành đã dạy cho tôi nhiều bài học, trong đó được tôi luyện dần trở nên… dũng cảm để giữ tiền. Vâng! Giữ những khoản tiền, đối với tôi là sự dũng cảm phải mất rất nhiều thời gian mới có được 😅.
Tiền bạc, luôn là vấn đề quan trọng và nhạy cảm, đòi hỏi sự thấu hiểu và đồng thuận rất lớn giữa hai vợ chồng, để cùng nhau quản lý, tiết kiệm, đầu tư, xây dựng nền tảng tài chính vững vàng không chỉ cho hiện tại, mà còn chuẩn bị cho cả tương lai sau này.
Dù gia đình bạn sử dụng phương pháp nào, tôi cũng tin đó là cách phù hợp nhất với hoàn cảnh của bạn. Cứ tự tin thực hiện và dần dần điều chỉnh. Nếu có lúc nào bạn cảm thấy khó khăn và muốn chùn bước, tôi mong bạn sẽ nhớ đến một cô sinh viên lấy chồng ngay sau khi tốt nghiệp - “bước thẳng từ giảng đường tới lễ cưới”, đã từng sợ hãi, thoái thác, trốn chạy việc phải đối mặt với vấn đề tài chính gia đình – chính là tôi. Giờ đây tôi đã làm được, nên tôi tin bạn cũng vậy, nhất định bạn cũng sẽ làm tốt thôi.
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.