Trong bài viết trước, tôi chia sẻ tư duy coi cuộc đời mình là một dự án lớn, bao gồm nhiều dự án nhỏ trải dài theo thời gian ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Mong muốn áp dụng tư duy này vào thực tế, tôi đã thử nghiệm qua nhiều cách và sử dụng những kiến thức chuyên môn của mình để rút ra ba bước cốt lõi giúp quản lý một dự án cá nhân một cách hiệu quả:
1. THIẾT LẬP MỤC TIÊU
Đây là bước đầu tiên, định hướng cho cả hành trình, giống như ngọn hải đăng xác định cho quãng đường hướng tới. Để làm được điều này, cần thành thật trả lời chính mình ba câu hỏi:
Thứ nhất: “Mình đã từng mơ ước những gì và hiện tại đang tha thiết với ước mơ nào?”. Nếu không thấy mình từng có ước mơ (và điều này là rất bình thường), thì có thể thay bằng câu hỏi: “Đến khi 80 tuổi nhìn lại, mình muốn hài lòng về thành tựu nào đã đạt được?”.
Thứ hai: “Mình muốn đạt được những mục tiêu trên vào thời điểm nào? Sau 5 năm, 10 năm, hay 20 năm nữa?”. Cứ mạnh dạn viết một con số. Mơ ước sẽ trở nên rõ ràng như thể “cầm nắm” được nếu chúng ta viết xuống giấy thành câu chữ, và đính kèm một mốc thời gian rõ ràng.
Thứ ba: “Vì sao mình mong ước điều này?”. Đây chính là câu hỏi quan trọng nhất. Tất cả đều bắt nguồn từ câu hỏi tại sao. Trên con đường thực hiện những dự án cuộc đời, chắc chắn chúng ta sẽ gặp nhiều thử thách, thất bại, thậm chí nghi ngờ về bản thân. Khi ấy, ta cần quay trở về với lý do mình đã bắt đầu. Vì thế, lý do này nhất định phải đủ lớn, đủ mạnh mẽ, và rất rõ ràng – đây chính là “Big Why” của bạn!
Ví dụ, năm năm trước, tôi đã xác định dự án cá nhân để phát triển sự n
ghiệp như sau:
- Mục tiêu lớn: Trở thành chuyên gia quản lý dự án (Project Manager - PM), có mức thu nhập X triệu đồng/năm.
- Thời gian thực hiện: Năm năm (2017 - 2022).
- Lý do: Tôi muốn được quyền lựa chọn, không bao giờ rơi vào tình huống bị động trong nghề nghiệp như khi nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự ở Viettel.
2. CHIA NHỎ GIAI ĐOẠN, LẬP KẾ HOẠCH NGẮN HẠN, VÀ THỰC HIỆN
“Mục tiêu mà không có kế hoạch thì chỉ là một ước mơ”. (Hoàng tử bé, Antoine De Saint-Exupéry)
Tôi thường tưởng tượng quá trình thực hiện dự án của mình giống như một người leo núi; mắt nhìn mục tiêu xa, nhưng chân bước từng bước nhỏ. Trong hành trình ấy, đôi khi tôi phải đi đường vòng, thay đổi lộ trình, cũng có lúc dừng bước nghỉ chân, nhưng sẽ không bao giờ lạc lối vì luôn có mục tiêu trong mắt.
Tôi sẽ chia nhỏ những mong ước của mình thành các mục tiêu cụ thể trong ngắn hạn và trung hạn, khoảng từ ba tháng tới dưới hai năm để dễ thực hiện và sớm biết kết quả, đưa ra các điều chỉnh nếu cần thiết.
Cụ thể với mong ước về nghề nghiệp, tôi đã sử dụng cách “xác định điểm cuối, rồi quay lại lập kế hoạch cho hiện tại”. Khi xác định mong muốn trở thành chuyên gia quản lý dự án (project manager – PM), tôi lên mạng tra cứu rất nhiều thông tin tuyển dụng cho vị trí này, đặc biệt là các vị trí cao cấp. Tôi tìm kiếm các từ khóa liên quan, để hiểu con đường phát triển sự nghiệp của một PM, cơ hội thăng tiến, mức thu nhập của PM ở các ngành cụ thể.
Tôi đã lưu khoảng 30 tin như vậy và tổng hợp thông tin vào file excel. Đây là bước tìm hiểu thị trường lao động để biết hiện tại mình đang ở đâu và thiếu những tiêu chí gì để đạt được vị trí mong muốn. Từ đó, tôi xác định được yêu cầu khắt khe nhất cho vị trí này. Và công việc tiếp theo của tôi, chắc chắn rồi, đó là làm từng việc một để cuối cùng hoàn thành được đầy đủ những tiêu chí này trong vòng năm năm: Học MBA, thi các chứng chỉ quốc tế, nâng cao trình độ tiếng Anh bên cạnh việc trau dồi kinh nghiệm làm việc thực tế.
3. THƯỜNG XUYÊN ĐÁNH GIÁ “SỨC KHỎE DỰ ÁN”
Trên bước đường đi tới mục tiêu, đôi khi tôi dừng lại một chút để thấy mình đã “nhúc nhích” về phía trước được bao xa. Tôi thường dành 30 phút tới một giờ mỗi cuối tuần, một buổi chiều mỗi tháng và một (vài) ngày mỗi năm cho việc này. Tôi nhìn lại, tự kiểm tra tiến độ, đánh giá và không quên tự chúc mừng những gì mình đã làm được; lập kế hoạch cho tháng tới, năm tới.
Việc theo dõi, điều chỉnh, thậm chí thay đổi hướng đi là điều bình thường với bất kỳ dự án nào. Bởi làm dự án tức là xác định rõ nhất những gì có thể, thực hiện từng bước, sau đó căn chỉnh dần theo thực tế. Không có dự án nào trơn tru, hoàn toàn giống như kế hoạch ban đầu. Theo tôi, khó khăn thử thách này cũng là điều thú vị nhất trong việc thực hiện các dự án.
Một ví dụ cụ thể là dịch Covid-19 xảy ra bất ngờ, nhiều dự định phải thay đổi và tìm giải pháp thay thế, nhưng nhờ có kế hoạch về thời gian, nguồn lực và nhất là tâm thế sẵn sàng chấp nhận thay đổi, tôi đã hoàn thành tất cả các “gạch đầu dòng” cần thiết, đạt được vị trí mơ ước.
THAY LỜI KẾT
Trong số chúng ta, ai cũng mong muốn thành công với từng mục tiêu trong cuộc sống; tuy nhiên điều đó lại phụ thuộc vào nhiều điều kiện: định hướng, cách thực hiện, nỗ lực bản thân, sự hỗ trợ và cả may mắn. Việc xác định rõ lộ trình mỗi mục tiêu như một dự án cá nhân theo ba bước cốt lõi nêu trên đã giúp tôi có được những thành công nhất định trong công việc và cuộc sống.
Chúc bạn một ngày bình yên,
Tố Uyên.
Tôi hy vọng bài viết này hữu ích với bạn; mong bạn luôn thực hiện thành công những dự án cá nhân của mình.
* Một số bài viết cùng chủ đề: